Cách đây 5 năm, Hà Nội đã bị coi là thành phố đứng đầu về ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Cách đây vài tháng, ông Jacques Moussafir, chuyên gia người Pháp cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng, đưa ra nhận xét đáng chú ý trên một số tờ báo:
"Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới hoạt động của người dân mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những thành phố ô nhiễm không chỉ nhất Đông Nam Á mà còn cả châu Á". Điều này làm dấy lên rất nhiều nhiều lo ngại của các nhà khoa học về việc ô nhiễm không khí ở Hà Nội sẽ tác động lớn đến sức khỏe người dân, cũng như về viễn cảnh "ô nhiễm như Bắc Kinh" (Trung Quốc).
Theo báo cáo của GreenID vào cuối năm 2016, có những thời điểm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu) là 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3), gấp đôi số liệu của thành phố Hồ Chí Minh (28.23) và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế thế giới –WHO (10µg/m3).
Như vậy, xét về hàm lượng bụi PM2.5 trong một số thời điểm, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3).
Việc gia tăng ô nhiễm không khí mà cụ thể hơn là ô nhiễm bụi tại Hà Nội được xác định do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt chất thải và đun nấu hộ gia đình. Trong đó, nguồn ô nhiễm do đốt than từ các nhà máy nhiệt điện và hoạt động các khu công nghiệp đang và sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc làm gia tăng ô nhiễm bụi.
Hiện tại Việt Nam vẫn có xu hướng xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện (theo quy hoạch điện VII) và tiếp tục sử dụng nhiệt điện than, trong khi Trung Quốc đã có cam kết cắt giảm lượng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và Bắc Kinh đã chấm dứt hoạt động các nhà máy điện sử dụng than.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của hướng gió, Việt Nam đồng thời sẽ bị chịu ảnh hưởng từ tro bụi của các nhà máy nhiệt điện từ các vùng lân cận và phía nam của Trung Quốc, có thể sẽ có lúc mức độ ô nhiễm bụi của Hà Nội sẽ rất cao
Về việc đeo khẩu trang, để bảo vệ sức khỏe của mình, thực sự chúng ta vẫn nên đeo khẩu trang thường xuyên chứ không nhất thiết phải đợi không khí ô nhiễm như ở Bắc Kinh mới đeo. Số liệu thực tại cho thấy ô nhiễm bụi đã xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng ta cũng đã nhìn thấy sự gia tăng các bệnh về mắt, hô hấp liên quan tới ô nhiễm bụi xuyên biên giới, ví dụ như chịu ảnh hưởng từ tro bụi của các nhà máy nhiệt điện miền nam Trung Quốc. Hiện tại trên thị trường Việt Nam đã có các loại máy lọc không khí bán cho các gia đình, văn phòng để mang lại bầu không khí trong nhà trong lành hơn, việc sử dụng khẩu trang cũng đã phổ biến hơn trước rất nhiều.
Hơn thế nữa, thay cho các dạng khẩu trang vải thông thường, hiện tại trên thị trường cũng đã có các loại khẩu trang có chức năng lọc các hạt bụi mịn và hấp thụ một số loại khí độc. Cũng có thể đến một ngày Hà Nội cũng xuất hiện dịch vụ bán túi không khí sạch.
Khi không có các biện pháp phù hợp giảm mức độ ô nhiễm bụi và siêu vi bụi (bụi PM2,5); mức độ giao thông đô thị vẫn đang gia tăng với mức độ chóng mặt, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng các dạng nhiệt điện than, và bị ảnh hưởng của các hoạt động phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, thì đến một ngày nào đó việc xuất hiện dịch vụ bán túi không khí sạch tại Hà Nội sẽ xuất hiện như một lẽ thường tình.
Với các dạng khẩu trang hoạt tính thì có thể hấp thụ một số loại khí độc hại. Tuy nhiên, với các loại vi bụi và siêu vi bụi thì các dạng khẩu trang và kính mắt hiện tại không có tác động.
Để hạn chế ảnh hưởng của các dạng ô nhiễm không khí, bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm khẩu trang tốt hơn, thì việc thay đổi các chính sách về quản lý ô nhiễm cũng như phát triển sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế không chỉ ô nhiễm không khí mà còn các tác động khác tới môi trường sống của chúng ta.
Theo Tri thức trẻ