Ứng dụng công nghệ thông tin là một vấn đề đặt ra đối với nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, trong số đó y tế cũng không nằm ngoài những nhu cầu cấp thiết hiện nay của khoa học trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Khái niệm mạng gần như không còn xa lạ tuy nhiên người ta dường như vẫn còn mơ hồ với cái khái niệm mạng y tế, với các chuẩn riêng dành cho y tế như chuẩn DICOM dành cho ảnh y tế và HL7, chuẩn dành cho trao đổi dữ liệu.
Yêu cầu cấp thiết cần có chuẩn mạng riêng cho y tế là một điều không thể tránh khỏi vì môi trường y tế được coi là một môi trường tạp nham với đầy đủ các chủng loại định dạng dữ liệu khác nhau. Chính vì vậy, chuẩn dành riêng cho việc trao đổi thông tin y tế đã được tổ chức HL7 (viết tắt của Health Level 7) phát triển vào năm 1987 với phiên bản đầu tiên. Tiếp tục các phiên bản 2.0 và 3.0 lần lượt ra đời và hiện đang tiếp tục được cập nhật và phát triển. Với phiên bản 3.x, các nghiên cứu trên thế giới đã xây dựng được hàng trăm nghìn các bản tin, xây dưng được các định dạng cho dữ liệu cũng như liên tiếp cập nhật các mô hình tham chiếu (RIM) cho HL7.
Với cấu trúc chuẩn này, mạng y tế đặc trưng cho phép mỗi bệnh nhân có một bản ghi đầy đủ với toàn bộ các hồ sơ bệnh lý, các tiểu sử bệnh lý, các cấm chỉ định thuốc cũng như các phương pháp đã được điều trị trước đó… Và điều này cho phép các bệnh viện khác nhau có đầy đủ cơ sở khoa học để có thể điều trị một cách hiệu quả nhất cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu mọi chi phí phát sinh không cần thiết cho người bệnh. Có thể nói, với giao thức trao đổi thông tin y tế thông qua chuẩn HL7, mạng y tế đã đem lại một hiệu quả vô cùng lớn không chỉ cho việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế tại các nước.
Đánh giá được tầm quan trọng của chuẩn trao đổi dữ liệu trong môi trường y tế, Bộ y tế cũng đang nỗ lực để xây dựng mạng y tế cho Việt nam. Tuy nhiên, cho đến giờ này, đa số các liên kết trong mạng y tế của Việt Nam vẫn dựa trên giao thức trao đổi dữ liệu của mạng internet thông thường, với các kết nối mạng chủ yếu dưới dạng dial-up. Hầu hết các bản ghi của bệnh nhân vẫn được trao đổi trên giấy. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế có khả năng sử dụng thành thạo internet tại các bệnh viện các tuyến còn quá ít, đặc biệt các tuyến huyện. Chủ yếu các kết nối internet là các kết nối bằng thuê bao cá nhân chứ chưa có các kết nối thuộc về đơn vị quản lý hoặc bệnh viện.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các phiên bản HL7 2.x đã được chấp nhận trên thế giới như là một chuẩn chung dành cho việc trao đổi thông tin y tế trong khi các chuẩn 3.x sẽ được tiếp tục cập nhật và chấp nhận trong vài năm tới. Trước thực tế đó, Bô y tế cũng đã thành lập trung tâm tin học nhằm đáp ứng nhu cầu này đồng thời đề nghị phát triển ngành điện tử y tế tại Việt Nam với sự góp mặt của các trường đại học lớn Đại học Bách Khoa Hà nội, Đại học Bách Khoa TPHCM,…
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện là thiết thực nâng cao năng lực quản lý và điều hành của giám đốc bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vì vậy giám đốc các bệnh viện phải thực sự quan tâm đầu tư mọi nguồn lực để ứng dụng và phát triển CNTT trong bệnh viện.