Ngày 03/03/2016 Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cục công nghệ thông tin Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), đại diện một số Vụ, Cục của Bộ Y tế, đại diện 3 công ty được chọn làm 3 doanh nghiệp đầu mối triển khai thí điểm hệ thống phần mềm quản lý thông tin BHYT, cùng 13 doanh nghiệp cung cấp phần mềm bệnh viện trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo cục công nghệ thông tin Bộ y tế tổ chức cuộc họp với sự tham gia của vụ Bảo hiểm Y tế, đại diện một số Vụ, Cục của bộ y tế
Cuộc họp đã diễn ra nóng ngay từ đầu, ông Phạm Xuân Viết khiển trách 3 đơn vị đầu mối là Viettel, VNPT, FPT về việc chuẩn bị và cung cấp nội dung tài liệu cho Cục CNTT và các thành viên tham gia cuộc họp chưa đầy đủ, Ông nhắc lại lý do và mục đích cuộc họp “ Bộ trưởng chỉ đạo cho Cục CNTT tổ chức cuộc họp này để phục vụ cho 3 doanh nghiệp FPT, VNPT, Viettel để các anh đưa ra yêu cầu đối với các nhà cung cấp HIS và bàn làm sao phối hợp với các anh để triển khai hệ thống này tốt nhất, vì sao lại có yêu cầu như thế? Là do chính 3 anh than phiền là các doanh nghiệp cung cấp HIS không phối hợp với các anh làm cho quá trình kết xuất thông tin bị chậm lại, không đảm bảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”. Theo kế hoạch là đến 30/6 phải hoàn thành việc kết nối liên thông dữ liệu bảo hiểm giữa các tuyến.
Các doanh nghiệp bức xúc với VNPT và chất vấn đại diện Bộ Y tế về văn bản chỉ đạo mà VNPT đã mang xuống làm việc với các Tỉnh.
Sau phần trình bày sơ bộ của 3 đơn vị đầu mối về kết quả, những khó khăn khi thử nghiệm hệ thống mà các đơn vị này gặp phải. Đại diện Nanosoft và hầu hết đại diện các đơn vị cung cấp phần mềm xin được đưa ra ý kiến. Mở đầu đại diện công ty Minh Lộ cho biết, hiện đơn vị đã triển khai và thí điểm kết nối với các đơn vị đầu mối nhưng thực sự chỉ có kết hợp với FPT ở Hải Phòng là thành công, vị đại diện này cũng tỏ ra bức xúc với cách làm việc của VNPT khi làm việc với các Tỉnh là đưa ra thông điệp với nội dung Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị, các Sở Y tế để VNPT thay thế toàn bộ các phần mềm đã triển khai cụ thể như tại Nghệ An, Hưng Yên hay Hòa Bình. Ông đưa ra dẫn chứng tại Hòa Bình sau khi VNPT yêu cầu thay thế phần mềm tại 3 bệnh viện ở đây do công ty Minh Lộ cung cấp thì một tháng sau các bệnh viện rối loạn không dùng được phần mềm của VNPT và các bệnh viện lại phải cài lại phần mềm cũ để sử dụng làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và hoạt động của bệnh viện.
Tiếp đến bác sỹ Hoàng Xuân Trung của công ty Ykhoa.Net cũng đưa ra ý kiến gay gắt "Cái điều khó chịu nhất đối với các công ty ở đây là VNPT nhân danh hợp tác với Bộ Y tế để thâu tóm hết và chính bản thân tôi cũng đã làm đơn kiện Sở Y tế Kiên Giang về vấn đề này và tôi sẽ làm sáng tỏ đến cùng”. Ông cũng nói đã nghiên cứu các văn bản từ đầu đến cuối và thấy rằng trong chỉ đạo không có ý đó mà chỉ là cho phép thử nghiệm mà thôi. Ông Trung nhận xét về cách làm của 3 đơn vị đầu mối cụ thể Viettel không hiểu hết được các vai trò của việc này nên mãi vẫn loay hoay, loay hoay. Về VNPT thì VNPT đưa ra thông điệp cứ gom hết cho chúng tôi (để chúng tôi làm hết) là xong chuyện, riêng FPT ông đánh giá cách làm rất doanh nghiệp và có tính phối hợp tốt hơn mặc dù cũng còn một số điểm chưa rõ. Đánh giá của ông Trung nhận được nhiều đồng tình của đại diện các doanh nghiệp.
Tiếp theo là ông Vũ Mạnh Tiến một trong những người dành gần như cả cuộc đời gắn bó cho CNTT y tế đã nêu ra các vấn đề bất cập trong thông tư 37 mới được ban hành và cũng dành nhiều thời gian để lên án cách làm của VNPT. Ông chia sẻ “Tôi cũng là nạn nhân của VNPT, ở Nghệ An giám đốc Sở Y tế đã chính thức nói với tôi đã có công văn cho VNPT làm, ở Sở Y tế Hưng Yên cũng nói đã có công văn của Bộ cho VNPT làm…”
Ngoài việc đồng loạt tỏ rõ cách làm thiếu minh bạch của VNPT các đơn vị cũng đặt ra câu hỏi cho cơ quan quản lý về việc nguồn gốc và tại sao có công văn đó. Đại diện cục CNTT Bộ Y tế nói “Bộ Y tế chưa bao giờ có công văn chỉ đạo việc thay thế phần mềm tại các địa phương”, và khẳng định rõ việc Bộ Y tế chấp nhận cho 3 doanh nghiệp làm thí điểm là chỉ làm công tác tổng hợp và kết xuất dữ liệu BHYT. Đại diện của BHYT là ông Đặng Hồng Nam – Vụ phó Vụ BHYT - Bộ Y tế cung cấp số điện thoại cho các doanh nghiệp và quả quyết “Bất cứ đơn vị nào liên quan đến BHYT mà áp đặt sử dụng phần mềm của doanh nghiệp doanh nghiệp nào, tôi hứa với các đồng chí là tôi xử đến nơi đến chốn. BHXH VN không có bất cứ một công văn nào nói rằng phải dùng phần mềm của Viettel, VNPT, FPT cả”. Một đại diện khác của Bộ Y tế nói ông đã xuống một số địa phương và đúng là có một số địa phương đang có sự hiểu nhầm các văn bản chỉ đạo tuy nhiên ông cũng giải thích và làm rõ cho địa phương.
Cũng liên quan đến vấn đề này đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi liệu Bộ Y tế có thể ra một văn bản hay thông báo làm rõ sự hiểu lầm này không thì ông Phạm Xuân Viết nói sẽ tiếp thu ý kiến này và chuyển cho người có thẩm quyền nghiên cứu, có hướng giải quyết.
Vậy VNPT nói gì?
Đại diện của VNPT nói rằng trong cuộc họp này cần tách bạch vấn đề kinh doanh của VNPT và vấn đề kỹ thuật và ông chỉ xin nói về kỹ thuật. Tuy vậy ngay cả vấn đề kỹ thuật VNPT giải trình cũng không làm các đơn vị hài lòng.
Các vấn đề còn tồn tại cần giải quyết
Các đơn vị cũng đưa ra các khó khăn trong quá trình triển khai kết xuất và đồng bộ dữ liệu bảo hiểm y tế tại các bệnh viện cụ thể như:
Vấn đề danh mục dùng chung theo thông tư 37 mới ban hành còn nhiều bất cập do chưa đầy đủ và hoàn thiện vẫn phản ánh sai và tham chiếu từ các thông tư, văn bản trước đó điều này gây khó khăn cho các bệnh viện và chính các đơn vị cung cấp phần mềm khi hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi sang danh mục dịch vụ mới.
Vấn đề về chuẩn trao đổi dữ liệu hiện đã có ban hành công văn 9324 ngày 30 tháng 11 năm 2015 tuy vậy việc kết xuất và chuyển dữ liệu lên hệ thống của bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, do việc có đến 03 doanh nghiệp làm đầu mối cùng xây dựng hệ thống này. Mỗi một doanh nghiệp đầu mối lại dùng một chuẩn khác nhau vậy nên đơn vị cung cấp phần mềm HIS có thể sẽ phải làm theo 3 đơn vị đầu mối điều này tạo nên sự bất cập, chưa kể đến thời gian tới Bộ Y tế sẽ thống nhất đưa ra một chuẩn duy nhất như thế các đơn vị cung cấp HIS lại sẽ phải hỗ trợ sửa lại và cập nhật cho khách hàng.
Còn một vấn đề nữa là thời gian ban hành các văn bản và văn bản hướng dẫn quá gấp các doanh nghiệp thường chỉ có ít ngày để xử lý phần mềm hỗ trợ các khách hàng của mình. Đây là điều thường xuyên gặp phải và gây không ít khó khăn cho các cơ Sở Y tế và đơn vị cung cấp phần mềm.
Kết thúc chưa thật trọn vẹn
Cuộc họp diễn ra sôi nổi và căng thẳng suốt hơn 3 tiếng tuy vậy vẫn còn quá nhiều điều mà doanh các doanh nghiệp muốn nói, làm rõ tuy nhiên vì lý do hết giờ nên buổi họp kết thúc. Nhiều đại diện doanh nghiệp tỏ ra tiếc nuối và đề xuất sẽ thành lập một hiệp hội các doanh nghiệp cung cấp cái giải pháp CNTT y tế và mong muốn cục CNTT sớm tổ chức một cuộc hội thảo quy mô lớn hơn để tạo điều kiện trao đổi giữa các doanh nghiệp CNTT y tế với nhau và với cơ quan quản lý y tế.
nanosoft.