1. Tìm hiểu bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Bệnh nhồi máu cơ tim là hoại tử một phần của cơ tim do thiếu máu cục bộ, xảy ra sau khi tắc nghẽn lâu dài dòng máu mạch vành nuôi dưỡng vùng đó.
Nhồi máu cơ tim cấp là hoại tử cơ tim do tắc nghẽn động mạch vành. Nhồi máu cơ tim cấp tính bao gồm cả nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên (NSTEMI) và nhồi máu cơ tim có ST chênh lên (STEMI). Phân biệt giữa hai loại này là rất quan trọng vì cách điều trị của chúng khác nhau.
+ Nhồi máu cơ tim ST không chênh lên là hoại tử cơ tim mà không có sự chênh lệch đoạn ST cấp tính.
+ Nhồi máu cơ tim ST chênh lên là hoại tử tim có thay đổi ECG cho thấy đoạn ST chênh lên và không bị đảo ngược bởi Nitroglycerin.
Tìm hiểu bệnh nhồi máu cơ tim là gì? Các thuật ngữ cần phân phân biệt liên quan tới bệnh
1.1 Phân vùng nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim chủ yếu ảnh hưởng đến tâm thất trái (LV), tùy nhiên tổn thương có thể lan rộng đến thất phải (RV) hoặc tâm nhĩ. Dưới đây là các vị trí của nhồi máu cơ tim:
- Nhồi máu cơ tim thất phải .
- Nhồi máu cơ tim thành sau dưới.
- Nhồi máu thành trước.
- Mở rộng vùng nhồi máu: gồm xuyên thành và không xuyên thành.
- Nhồi máu cơ tim ST chênh lên.
- Nhồi máu cơ tim ST không chênh lên.
2. Nguyên nhân của bệnh nhồi máu cơ tim
Những nguyên nhân nhồi máu cơ tim thường gặp là:
- Huyết khối (cục máu) tại một vùng của động mạch vành đã bị hẹp do xơ vữa động mạch.
- Xuất huyết (chảy máu) dưới màng trong động mạch vành của một mảng xơ vữa.
- Có những trường hợp nhồi máu cơ tim không có tắc nghẽn động mạch vành rõ rệt trên phim chụp cản quang. Người ta giải thích nguyên nhân này bằng hiện tượng co thắt kéo dài động mạch vành hoặc một cục huyết khối đã được thông dòng nhanh hoặc một bệnh của vi tuần hoàn vành. Cũng có khi do chụp động mạch vành không đúng quy cách hoặc nhận định trên phim chụp không chính xác.
- Ngoài ra còn có những nguyên nhân ít gặp như: nghẽn mạch vành do cục nghẽn từ xa đưa tới (như trong viêm nội tâm mạc, hẹp van hai lá). Hẹp lỗ vào động mạch vành do một tổn thương ở động mạch chủ (nguyên nhân do bệnh giang mai hay bệnh xơ vữa). Viêm mạch trong các bệnh tự miễn, dị dạng động mạch vành và chấn thương tim.
- Những yếu tố dễ làm cho bệnh nhồi máu cơ tim xuất hiện như:
+ Tụt huyết áp, trạng thái sốc.
+ Phẫu thuật.
+ Nhịp tim nhanh, loạn tim hoàn toàn.
+ Các bệnh van tim, cơ tim.
Nguyên nhân dẫn tới các cơn đau tim cấp cực nguy hiểm
3. Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim
3.1 Triệu chứng điển hình của cơn đau tim cấp
- Đau vùng trước tim
+ Đau vùng trước tim có thể xuất hiện trên một người trước đó chưa từng bị bệnh tim mạch, nhưng cũng có thể xảy ra trên người đã bị cơn đau thắt ngực nhiều lần.
+ Đau trong nhồi máu cơ tim cũng giống như đau trong cơn đau thắt ngực nhưng dữ dội hơn và dùng Nitroglycerin không đỡ. Có thể xuất hiện lúc nghỉ ngơi, hoặc sau một gắng sức, sau bữa ăn thịnh soạn ban ngày hay ban đêm. Đau thương kèm theo cảm giác hồi hộp, bồn chồn, vã mồ hôi, lạnh và nôn.
- Dấu hiệu nhồi máu cơ tim thực thể
+ Tay chân lạnh, huyết áp động mạch bình thường hoặc thấp. Có trường hợp huyết áp tăng trong cơ đau, những giờ đầu thường không sốt nhưng sau đó nhiệt độ tăng lên khoảng 38 đến 38.5° trong khoảng từ 2 đến 3 ngày và trở lại bình thường sau từ 7 đến 10 ngày.
+ Các tiếng tim thường yếu nhất là tiếng tim thứ nhất ở mỏm tim. Đôi khi nghe thấy tiếng ngựa phi đầu tâm trương hoặc đầu tâm thu, tiếng thổi ở van hai lá. Sau khi bắt đầu nhồi máu cơ tim khoảng 2 đến 3 ngày có thể nghe thấy tiếng cọ ở màng ngoài tim.
3.2 Biểu hiện nhồi máu cơ tim không điển hình
- Thể không đau: Trong các trường hợp nhồi máu cơ tim thì có 10 đến 15% trường hợp nhồi máu cơ tim không đau hoặc chỉ đau nhẹ không điển hình, người bệnh chỉ thấy tức ở vùng tim. Không ít trường hợp chỉ biểu hiện bằng suy tim đột nhiên nặng lên hoặc bệnh van tim xuất hiện nhanh chóng.
- Tai biến mạch máu não: Trên một số bệnh rất già, xoá khi bệnh nhồi máu cơ tim chỉ biểu hiện dưới dạng tai biến mạch máu não.
- Phù phổi cấp: Có những bệnh nhân đột ngột bị phù phổi cấp. Khi làm điện tâm đồ và các xét nghiệm men mới phát hiện ra nhồi máu cơ tim cấp.
- Tử vong đột ngột: Trong số những trường hợp nhồi máu cơ tim thì có đến 80% trường hợp chết đột ngột ở người lớn tuổi do bệnh động mạch vành. Cũng có trường hợp bệnh đã được biết từ trước nhưng cũng có nhiều trường hợp không có tiền sử suy mạch vành và chỉ khi khám nghiệm tử thi bệnh nhân chết đột ngột mới phát hiện ra bệnh. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chết đột ngột trong bệnh động mạch vành thường là do rung thất hoặc cơn nhịp nhanh thất, ít khi do suy tim đột ngột.
Dấu hiệu của hiện tượng nhồi máu cơ tim cần cấp cứu gấp
4. Bệnh nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Câu trả lời ở đây là có. Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành và cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh về tim mạch. Các hiện tượng nhồi máu cơ tim ở phụ nữ và nam giời có thể để lại nhiều di chứng, đặc biệt là về tim mạch:
- Rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền: xuất hiện nhiều vào những giờ đầu và những ngày đầu của nhồi máu cơ tim. Đây được đánh giá là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tử vong.
- Suy tim: Suy tim cấp hoặc là bán cấp có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của nhồi máu cơ tim, tình trạng này có thể diễn biến nặng, nhẹ hoặc thậm chí còn rất nặng như phù phổi tối cấp.
- Sốc tim: Xuất hiện khi 40% cơ tim bị phá hủy.
+ Tỷ lệ tử vong cao (80%). Mạch nhỏ, huyết áp động mạch tụt và thường khó xác định, nói chung huyết áp tâm thu khoảng 70 mmHg.
+ Do giảm lưu lượng tim nên hay có các rối loạn ở não như: trạng thái kích thích, lú lẫn tinh thần, có khi còn hôn mê, đầu chân tay lạnh, tím, xâm xấp mồ hôi.
- Vỡ tim: Tình trạng này hiếm gặp và thường xuất hiện giữa ngày thứ 7 và ngày thứ 10. Thường gặp nhất là thủng vách gây thông liên thất (trị giá oxy ở thất phải tăng lên một cách bất thường). Ngoài ra, thủng thành tâm thất còn dẫn tới tràn máu màng ngoài tim và hội chứng ép tim và hình thành túi phồng của thành tim.
- Hở van hai lá: Nghe thấy một tiếng thổi cuối thì tâm thu ở mỏm do hư hỏng bộ van hai lá. Đứt cột van ít gặp (gặp khoảng 1% các trường hợp nhồi máu cơ tim). Tiếng thổi ở đây to dần, chiếm toàn thì tâm thu, thô ráp. Suy tim xuất hiện một cách nhanh chóng.
- Viêm màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim và hội chứng Dressler: Thường nghe thấy một tiếng cọ màng ngoài tim, 2 đến 3 giờ sau khi xuất hiện nhồi máu cơ tim, đồng thời có dấu hiệu đau vùng trước tim, đoạn ST chênh lên trên điện tâm đồ.
- Huyết khối - Tắc mạch: Tình trạng này xảy ra khi xuất hiện những huyết khối ở chi dưới nhất là đối với những người bệnh phải nằm lâu ngày, có rối loạn tuần hoàn. Cũng có khi do một huyết khối hình thành trên nội tâm mạc của vùng vừa bị hoại tử.
- Đau loạn dưỡng phản xạ các chỉ trên: Biểu hiện dưới dạng viêm quanh khớp vai, xảy ra vài ngày đến vài tuần sau nhồi máu cơ tim, thường bị nhiều ở hơn bên trái hơn là bên phải. Có thể tránh được tình trạng này nếu biết vận động sớm, thụ động cũng như chủ động phục hồi chức năng sớm.
- Loạn thần kinh kiểu âu lo: Do sợ bệnh tái phát, sợ phải làm việc nặng nhọc làm cho cơn đau trở lại nên người bệnh dễ có trạng thái lo âu, trầm cảm cho mình là tàn phế. Việc phục hồi chức năng tim có thể đem lại niềm tin cho người bệnh.
5. Tiêu chuẩn chẩn đoán của bệnh nhồi máu cơ tim
5.1 Chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng
Có thể chẩn đoán bước đầu nhồi máu cơ tim qua triệu chứng lâm sàng điển hình: Đau vùng trước tim kiểu cơn đau thắt ngực nhưng kéo dài, cho dùng các dẫn chất nitrit không đỡ hoặc chỉ đỡ rất ít.
5.2 Chụp X-quang
Chụp X quang là một phương pháp chẩn đoán nồi máu cơ tim cận lâm sàng. Bằng cách phát hiện các dấu hiệu sung huyết phổi, hình ảnh các tĩnh mạch phổi giãn rộng ở các thùy trên, các đường Kerley B (lưới mạch phế quản đậm, có dịch ứ đọng ở các vách liên tiểu thùy, biểu hiện dưới dạng các vách ngang ở phía ngoài ở thùy dưới). Đôi khi phát hiện được hình ảnh mờ của phù phổi.
5.3. Chụp điện tâm đồ
Ecg nhồi máu cơ tim là tiêu chuẩn chẩn đoán nhồi máu cơ tim chính xác và phổ biến nhất bằng việc quan sát biến đổi của phức bộ QRS (sóng Q bệnh lý) và của pha cuối (ST chênh lên). Ngoài ra, chụp điện tâm đồ Ecg nhồi máu cơ tim còn giúp xác định vị trí của bệnh.
Vị trí nhồi máu cơ tim | Dấu hiệu "trực tiếp" (sóng Q hoặc sóng QS: ST chênh lên: T âm) | Dấu hiệu "gián tiếp" ST chênh xuống, T dương | Chú thích |
Trước bên | I, VL, V4, V5 và V6 biên có thể không điển hình | | Các chuyển đạo ngoại |
Trước vách | V1, V2, V3 và có thể có V4 | | Các chuyển đạo trước tim là cần thiết |
Sau hoặc cơ hoành | | I, VL, đôi khi V3 và V4 | |
Sau bên | III, VF, II, V5 và V6 | Đôi khi I và VL | |
Nhồi máu cơ tim "cao" | Các chuyển đạo trước tim cao | | I và VL có các dấu hiệu trực tiếp ở các chuyển đạo trước tim, các dấu hiệu không điển hình |
Vách | III, VF, II, V2, V3 | | |
Dưới nội tâm mạc | | I, II, V4, V5 và V6 | Nhồi máu cơ tim đơn độc hoặc hai thì (sau vách + trước vách) |
Hình ảnh điện tâm đồ nhồi máu cơ tim để chẩn đoán bệnh
5.4 Siêu âm
Siêu âm chẩn đoán nhồi máu cơ tim cho thấy những chuyển động bất thường của thành tim và của vách và có thể phát hiện được huyết khối ở thành tim.
5.5 Chụp lấp lánh
Chụp lấp lánh với albumin được lấp lánh đánh dấu bằng technetium phóng xạ cho phép đánh giá chức năng thất trái, khả năng tống máu, kích thước và mức độ nặng nhẹ của những vùng giảm và mất vận động.
5.6 Xét nghiệm chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Ngoài các phương pháp chẩn đoán cơn đau tim cấp ở trên, còn có thể chẩn đoán bệnh dựa vào các tiêu chuẩn:
* Xét nghiệm thông thường: Bạch cầu tăng 10.000 đến 20.000, tốc độ lắng máu tăng, đường huyết đôi khi taeng nhất thời.
* Xét nghiệm men:
- Creatine - phosphokinase (CPK) và isoenzym đặc hiệu của cơ tim (CK MB): men tăng 3 đến 4 giờ sau khi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim và đạt đỉnh cao vào giữa giờ thứ 12 và 18 (đôi khi đến giờ thứ 36). Trở về giá trị bình thường sau 2 đến 4 ngày. Thành phần CK - MB thường không quá 8% của CPK toàn phần. cPK toàn phần có thể tăng khi có chấn thương (ví dụ tiêm bắp), viêm thoái hoá các cơ.
- Lactic dehydrogenase (LDH): gồm 5 isoenzym (LDH - 1-2-3-4-5) tăng 2, 3 ngày sau khi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim và đạt đỉnh cao nhất giữa ngày thứ 7. Men này không đặc hiệu vì vậy thường dùng tỷ lệ LDH1/LDH2 vì tăng rõ rệt hơn trong nhồi máu cơ tim.
- Transaminase glutamino - axalo axetic (SGOT, GOT hoặc ASAT): tăng 12 đến 48 giờ sau khi bắt đầu bị nhồi máu cơ tim. Nhưng mau chóng trở lại bình thường, men này ít đặc hiệu.
- Alpha - hydroxybutyrate - dehydrogenase (alpha - HBDH): xuất hiện sau 6 đến 12 giờ, cao nhất vào giờ thứ 30-72 rồi trở lại bình thường vào ngày thứ 10 đến 20.
6. Hướng dẫn điều trị nhồi máu cơ tim theo phác đồ mới nhất
6.1 Cách chữa nhồi máu cơ tim hướng hỗ trợ
Trước khi đưa người bệnh đến bệnh viện cần:
- Sử dụng thuốc an thần: Người bệnh nhồi máu cơ tim thường lo âu, bồn chồn, kích động. Vì vậy cần cho người bệnh uống thuốc an thần như Diazepam 5 đến 10mg.
- Sử dụng thuốc chống đau: Tiêm tĩnh mạch 2 đến 5 mg morphin, 10 đến 15 phút sau tiêm lại nếu không có kết quả với điều kiện người bệnh thở bình thường, không chậm hơn 12 lần trong một phút.
- Sử dụng bình oxy: có tác dụng làm giảm đau và làm giảm khó thở. Cho thở bằng đặt ống thông qua mũi.
- Điều trị loạn nhịp tim:
+ Với nhịp chậm xoang, cho tiêm tĩnh mạch chậm 0.5 - 1mg Atropin (lưu ý có thể gây nhịp nhanh và tăng triệu chứng đau).
+ Sử dụng Lidocain bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Phòng với một liều tấn công như vậy và sau đó tiếp tục duy trì tại bệnh viện, điều này có thể lẫn giảm nguy cơ xuất hiện nhịp tim nhanh thất và rung thất trong hai ngày đầu tiên của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên kết quả không phải lúc nào cũng khả quan.
- Nếu người bệnh có biểu hiện ngừng tim phổi: Phải tiến hành hà hơi thổi ngạt, bóp tim ngoài lồng ngực, nội khí quản, mở khí quản nếu cần. Chống rung bằng cách tiêm tĩnh mạch 0.5 - 1 Adrenalin pha với 10ml dung dịch muối đẳng trương.
6.2. Cách điều trị nhồi máu cơ tim chính
Chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị tăng cường.
- Nguyên tắc chung: cho người bệnh nằm yên tại giường, ăn uống nhẹ.
- Cho thuốc an thần và thuốc chống đau: Diazepam - morphin - pethidin. Cho thở Oxy nếu người bệnh vẫn còn đau và khó thở. Các thuốc cần phối hợp thêm nhằm làm giảm đau:
+ Nitroglycerin đặt dưới lưỡi cứ 15 đến 20 phút một lần hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần (theo dõi tránh tụt huyết áp).
+ Propranolol: Khi dùng Nitroglycerin không làm hết được đau thì dùng Propranolol với điều kiện không có sốc hay suy tim. Cho người bệnh uống 20mg, 2 đến 3 lần một ngày. Cũng có thể tiêm tĩnh mạch chậm, 1mg cứ 4 đến 6 giờ tiêm một lần (lưu ý với những người bệnh bị suy tim, hen phế quản).
+ Thuốc ức chế calci: Phối hợp với thuốc Nitroglycerin và thuốc Propranolol nifedipin, uống liều 10 đến 20 mg, 3 lần/ ngày (tùy nhiên thận trọng vì có nguy cơ tụt huyết áp).
+ Aminophylline: Truyền tĩnh mạch chậm 250 đến 500 mg, theo dõi bằng điện tâm đồ (tùy nhiên có nguy cơ loạn nhịp tim nặng).
- Thuốc chống đông: Đối với nhồi máu cơ tim cấp hoặc mãn tính chưa có bằng chứng thật cụ thể về tác dụng của thuốc này. Nhưng người ta còn dùng thuốc chống đông nhằm mục đích phòng ngừa huyết khối ở những bệnh nhân có phình giãn tĩnh mạch, béo bệu hoặc có tiền sử viêm tắc tĩnh mạch. Có thể dùng một số thuốc chống đông như uống Warfarin, dùng Heparin liều cao trong tắc mạch phổi.
- Trở lại sinh hoạt bình thường: Trong những trường hợp nhồi máu cơ tim đơn giản, thời gian nằm viện vào khoảng 10 đến 15 ngày.
+ Ngày đầu: Cử động thụ động các ngón tay, chân, tay, vai.
+ Ngày thứ hai: ngồi 1 đến 2 lần trong một ghế bành trong khoảng từ 5 đến 15 phút.
+ Ngày thứ 3,4 ngồi lâu hơn trên ghế bành, có thể đi vài bước quanh giường.
+ Ngày thứ 5,6: đi bộ trong phòng.
+ Ngày thứ 7,8: đi bộ ra ngoài hành lang.
+ Ngày thứ 9 và sau đó: sau 2 đến 3 tháng cơ thể trở lại làm việc bình thường như cũ, cần có một chương trình phục hồi chức năng, thể dục thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Hướng dẫn điều trị và chăm sóc người bệnh hiệu quả
7. Lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim
- Hạn chế cho người bệnh vận động mạnh vì làm tăng tiêu thụ oxy của cơ tim. Nên đặt người bệnh nằm nghỉ trong tư thế nửa ngồi là tốt nhất.
- Chú ý theo dõi số lần thở trong một phút vì các thuốc điều trị gây ức chế trung tâm hô hấp.
- Nghỉ ngơi nhằm làm giảm tần số tim từ đó cải thiện lưu lượng tim.
- Theo dõi các dấu hiệu của cải thiện lượng máu từ tim đến các tổ chức.
- Khi đã hết đau ngực hướng dẫn người bệnh tập thở sâu và thường xuyên thay đổi tư thế để cải thiện thông khí phổi.
- Tăng dần hoạt động thể lực.
- Giảm lo lắng cho người bệnh:
+ Giữ phòng yên tĩnh để tránh kích thích cho người bệnh.
+ Tránh các sang chấn tinh thần, tránh gây căng thẳng cho người bệnh.
+ Khuyến khích người bệnh tâm sự những lo lắng.
8. Hướng dẫn phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả
- Người bệnh cần có chế độ độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả chứa nhiều vitamin đqwjc biệt là vitamin C giúp tăng sức bền thành mạch. Hạn chế đồ ăn nhanh, đồ chứa nhiều chất béo, đồ ngọt, chất kích thích (rượu, bia)…
- Không hút thuốc lá.
- Hoạt động thể lực thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần, có điều kiện thì khám 3 tháng/ lần để kịp thời phát hiện ra bệnh.
- Nếu người bệnh có tiền sử bị các bệnh như tăng huyết áp, đau thắt ngực, đái tháo đường thì càng cần phải thận trọng hơn nguy cơ bị nhồi máu não.
Qua thống kê của các chuyên nhà đầu ngành Tim mạch cho biết, bệnh nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hoá do lối sống không lành mạnh, thiếu kiểm soát… Bên cạnh đó nhiều người chưa biết cách nhận ra dấu hiệu của bệnh dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng sau này, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.