Theo BHXH VN, tính đến nửa đầu năm 2017, tổng số tham gia BHYT là 76,67 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 82%. Năm 2016, số khám chữa bệnh (KCB) BHYT là 148,5 triệu lượt, chi cho KCB BHYT là 69.381 tỉ đồng, bội chi 6.969 tỉ đồng. Dự báo năm 2017 hầu hết các địa phương sẽ bội chi quỹ KCB BHYT.
Trong đó, đáng lưu ý là Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến mỗi tỉnh bội chi trên 1.000 tỉ đồng; Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh bội chi mỗi tỉnh trên 500 tỉ đồng; An Giang, Thái Bình bội chi trên 400 tỉ đồng/tỉnh.
Tại Nghệ An, trong 3 tháng đầu năm 2017, có không ít người đi khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nhiều bất thường, thậm chí tới 62 lần, tính ra trung bình cứ 3 ngày khám 2 lần.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc BHXH VN, hiện nay do chưa ban hành thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng BV ngoài công lập, dẫn đến vướng mắc trong việc áp giá thanh toán, xác định tuyến KCB.
Theo ông Thảo, có thực trạng các BV tư lạm dụng chính sách trong KCB BHYT, làm mất cân đối quỹ KCB BHYT được giao, việc xếp hạng BV là để quản lý chi quỹ BHYT được tốt hơn. Bộ Y tế và BHXH VN sẽ phối hợp áp dụng mức thanh toán theo hạng BV, căn cứ vào chất lượng dịch vụ, danh mục dịch vụ để ký hợp đồng dịch vụ KCB BHYT theo từng mức xếp hạng. “Hiện nay, có thực trạng các BV không muốn được xếp hạng 1, 2 mà chỉ muốn hạ xuống hạng 3 để được áp dụng KCB thông tuyến”, ông Thảo nói.
Bộ Y tế cho biết đã có văn bản hướng dẫn, phê duyệt giá cho hơn 50 bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, chuyên khoa, BV hạng 1 thuộc Hà Nội, TP.HCM và một số BV thuộc các trường y dược, điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế áp dụng với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân VN, khẳng định việc các BV tư muốn xuống hạng là một yêu cầu chính đáng chứ hoàn toàn không phải vì trục lợi. Nguyên nhân là khi BV tư được nâng lên hạng 2 thì sẽ không thực hiện KCB thông tuyến cho bệnh nhân.
“Nếu lên hạng sẽ khó chia sẻ bệnh nhân với BV công lập. Đây là yêu cầu chính đáng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân KCB, cần phải được xem xét”, ông Đệ nói và kiến nghị thời gian tới, các chính sách, pháp luật cần được thống nhất, công bằng, không phân biệt giữa BV công lập với BV tư nhân, vừa tạo điều kiện để khu vực tư nhân phát triển, phục vụ KCB cho người dân tốt hơn, vừa để quản lý quỹ BHYT tốt hơn.
Sưu tầm