Ngày 11-11, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội thảo về bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện 15 tỉnh, TP trong cả nước.
38 địa phương bội chi quỹ BHYT
Tại hội thảo, BHXH Việt Nam cho hay đến hết tháng 6-2016, số người tham gia BHYT là 72,81 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 79% dân số. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia BHYT chiếm 70%-90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện.
Tuy nhiên, trong chín tháng đầu năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2016, quỹ BHYT sẽ bội chi trên 7.000 tỉ đồng. Nếu không có điều chỉnh, quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018.
Theo ông Phạm Văn Lại, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, thực tế về mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT của Quảng Nam trong những năm vừa qua và đặc biệt trong chín tháng đầu năm 2016 là bài toán khó trong vấn đề quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cũng cho rằng có hiện tượng trục lợi trong quỹ BHYT. Công tác giám định, đánh giá việc chỉ định điều trị nhiều bất cập về nguồn nhân lực và năng lực của giám định viên còn hạn chế.
Công - tư: Bên trọng, bên khinh
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho hay trong suy nghĩ, nhận thức của một bộ phận những người thực thi công vụ còn có sự phân biệt, đối xử đối với y tế tư nhân. Nhiều người vẫn còn quan niệm: Y tế tư nhân là lĩnh vực “kinh doanh bệnh tật”, chỉ vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy. Từ quan điểm lệch lạc đó dẫn đến việc xây dựng, ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách không phù hợp. Thậm chí một số chính sách lại trở thành rào cản cho sự phát triển của khối y tế này.
Ông Đệ cho rằng về bản chất, mối quan hệ giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là... quan hệ đối tác. “Tuy nhiên, do đồng thời là cơ quan quản lý quỹ BHYT nên mối quan hệ giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trở thành quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nếu không có những chế tài đủ mạnh để giám sát chặt chẽ quỹ BHYT, rất dễ nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho” - ông Đệ nhấn mạnh.
Theo ông Đệ, khoảng 41% giám định BHYT không được đào tạo về lĩnh vực y tế đang gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho y tế tư. Nhiều vấn đề chuyên sâu về y tế, nhân viên giám định không hiểu biết đầy đủ dẫn đến việc xuất toán sai, không hợp lý, gây bức xúc cho bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện. Thậm chí có chỉ đạo “ngầm” của cơ quan BHXH đối với nhân viên giám định về chỉ tiêu xuất toán.
Đặc biệt, cùng một lỗi vi phạm, thậm chí vi phạm nhẹ hơn so với cơ sở khám chữa bệnh nhà nước nhưng cơ sở khám chữa bệnh tư nhân luôn bị xử lý nặng hơn. Theo ông Đệ, kết quả kiểm tra cho thấy sự chênh lệch chi phí sai quy định giữa cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại Thanh Hóa rất lớn (khoảng 47,2 tỉ đồng/bảy bệnh viện công so với khoảng 10,6 tỉ đồng/bảy bệnh viện tư). Việc yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cam kết mức trần khám chữa bệnh bình quân là một dạng “giấy phép con” cần loại bỏ.
Sưu tầm