Hiện nay, vai trò của người điều dưỡng ngày càng quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đóng góp của người điều dưỡng trong việc chăm sóc chữa bệnh cho người bệnh chiếm ít nhất 50% trong việc an toàn và chất lượng điều trị cho người bệnh.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc đào tạo kỹ năng giao tiếp và ứng xử với người bệnh cho đội ngũ này vẫn còn đang rất thiếu và không được chú trọng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị khoa học về điều dưỡng với chủ đề “Xây dựng môi trường an toàn người bệnh: Những bằng chứng trong đào tạo, quản lý và thực hành chăm sóc” vừa diễn ra tại Bệnh viện Việt Đức.
Có 17 báo cáo được trình bày, trong đó có 14 báo cáo của điều dưỡng các bệnh viện lớn trong cả nước và 3 báo cáo quốc tế không chỉ tập trung vào các vấn đề về chuyên môn nghề nghiệp của điều dưỡng mà còn quan tâm thảo luận đến việc nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho người điều dưỡng... Bởi đây cũng là nội dung quan trọng mà ngành y tế hướng đến trong Chương trình Hành động quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Theo các chuyên gia, an toàn người bệnh đang là vấn đề thách thức của ngành y tế trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự cố y khoa trong những năm gần đây chiếm tỷ lệ 3,7%-16,6% trên thế giới. Tại Việt Nam, thực trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương… đã khiến công việc của điều dưỡng rất vất vả. Tính trung bình tại các bệnh viện trên thì cứ 1 điều dưỡng chăm sóc từ 4- 6 người bệnh.
Chia sẻ về vấn đề này bên lề hội nghị, GS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Việt Đức cho hay, người điều dưỡng có nhiều thời gian tiếp xúc với người bệnh cần phải có thái độ ứng xử tốt đồng thời thực hiện đúng quy trình về chuyên môn. Trước đây, điều dưỡng ở trong nước chỉ qua đào tạo 6 tháng hoặc trình độ trung cấp nhưng ngày nay, chất lượng đào tạo điều dưỡng đã được nâng lên ở trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Tại Bệnh viện Việt Đức đã có điều dưỡng trưởng bệnh viện, điều dưỡng trưởng các khoa có trình độ đại học và sau đại học, thậm chí có người còn được đào tạo bài bản về chuyên môn điều dưỡng ở nước ngoài.
Tuy nhiên, GS.TS Trần Bình Giang cũng thẳng thắn cho rằng, trên thực tế của công tác khám chữa bệnh, đội ngũ điều dưỡng thường tiêp xúc với người bệnh, người nhà bệnh nhân nhiều nhất.“Lời khen, tiếng chê” hay nói cách khác là sự hài lòng của người bệnh/ người nhà bệnh nhân khi đến cơ sở y tế cũng từ đó mà ra. Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong việc đào tạo điều dưỡng hiện nay đang bỏ ngỏ là việc tập huấn đào tạo kỹ năng ứng xử và giao tiếp với người bệnh. Đây là một trong những yếu tố đóng góp vào sự thành công điều trị các ca bệnh. Do đó, tại Bệnh viện Việt Đức cùng với việc thường xuyên có các buổi sinh hoạt chuyên môn trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cho điều dưỡng, công tác tập huấn, đào tạo về kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh/ người nhà bệnh nhân thường xuyên được chú trọng…