Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, giảm tải cho cả cơ sở y tế và bệnh nhân song theo thừa nhận của một số lãnh đạo các cơ sở y tế, hiện công tác chưa đạt được nhiều thành tựu do những khó khăn cả khách quan và chủ quan.
Theo phản ánh của một số cơ sở y tế, các máy tính trạm (PC) được mua sắm ở các cơ sở khám chữa bệnh tại nhiều thời điểm khác nhau nên yếu về cấu hình, thiếu về số lượng. Hệ thống mạng LAN (mạng nội bộ) trong cơ sở y tế chưa hoàn thiện, tốc độ đường truyền internet còn chậm, không ổn định, chưa có thiết bị để chia dải mạng LAN, hiện tượng trùng lặp IP (địa chỉ người dùng) còn xảy ra phổ biến ở hầu hết các đơn vị. Về chủ quan, ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng, hiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực CNTT ngành Y tế còn thiếu, chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Mặt khác, theo ông Đặng Hồng Nam, các cơ sở khám chữa bệnh hiện đang dùng nhiều phần mềm quản lý khám chữa bệnh do nhiều DN về CNTT cung cấp; cá biệt có tỉnh như Bạc Liêu, 6 cơ sở y tế thì mỗi cơ sở y tế dùng một phần mềm mạng của một DN dẫn đến chưa tương thích tại một số thời điểm, một số hạng mục, gây khó khăn trong việc chuyển dữ liệu, liên thông giữa các dữ liệu y tế của các cơ sở y tế. "Chưa kể thực tế kiểm tra tại các cơ sở y tế cho thấy, lãnh đạo một số đơn vị chưa xác định được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT; trình độ nhân viên trực tiếp quản lý CNTT tại cơ sở còn thiếu và yếu”, ông Đặng Hồng Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán toán BHYT năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, đại diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho biết, khi ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, một số văn bản hướng dẫn do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành chưa thống nhất với Bộ Y tế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, dẫn đến khi triển khai áp dụng gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở y tế. Chẳng hạn việc yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu khám chữa bệnh trong ngày đối với bệnh nhân kết thúc điều trị là chưa phù hợp với quy chế chuyên môn bệnh viện, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. “Có thời điểm khi bệnh nhân kết thúc điều trị, nhân viên y tế gửi hồ sơ đến cho tôi vào hai giờ đêm, dù đang ở nhà tôi cũng phải thức dậy để chuyển dữ liệu đi cho đúng… quy định”, vị đại diện này kể.
Còn theo đại diện Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội, các dữ liệu về dịch vụ, kỹ thuật, danh mục thuốc được mã hóa phải khớp với dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng câu chữ, từng dấu cách, dấu chấm, dấu phẩy. Quá trình khớp dữ liệu của bệnh viện gửi lên cổng đầu mối của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gọi là “ánh xạ”. Theo vị này, mỗi lần gửi dữ liệu lên để ánh xạ, các nhân viên thực hiện đều như “nín thở” chờ kết quả, đến khi kết quả báo thành công đội ngũ kỹ thuật viên mới thở phào nhẹ nhõm. “Tình trạng ánh xạ không thành công do danh mục kỹ thuật quy định không trùng khớp diễn ra khá phổ biến khiến cơ sở y tế phải chuyển dữ liệu, thông tin của bệnh nhân nhiều lần, chưa kể nhiều khi cơ sở cứ gửi dữ liệu, hồ sơ bệnh án lên nhưng cổng thông tin của cơ quan bảo hiểm xã hội không chấp nhận, trả về, song cơ sở không biết vì sao lại bị trả về”, vị này cho biết.
Để triển khai đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho rằng mấu chốt vấn đề là phải thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu, đồng bộ danh mục dùng chung với hệ thống thông tin khám chữa bệnh của Bộ Y tế. Ngoài ra, lãnh đạo nhiều cơ sở y tế khi được hỏi đều kiến nghị Bộ Y tế sớm bổ sung đầy đủ danh mục tương đương trong phần mềm quản lý bệnh viện và cho bệnh viện bổ sung thêm danh mục trên cổng giám định BHYT.
Về phía Bộ Y tế, ông Nam yêu cầu các cơ sở y tế phải thay mới hoặc nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện hoặc phần mềm quản lý viện phí. Đồng thời, cập nhật đầy đủ mã và tên thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế theo danh mục dùng chung điện tử vào phần mềm quản lý khám chữa bệnh, điều chỉnh phần mềm để kết xuất dữ liệu đúng quy định của Bộ Y tế; cung cấp đầy đủ thông tin về chỉ định, kết quả điều trị ngay khi người bệnh ra viện để quản lý việc khám chữa bệnh.
D.Ngân - baomoi.com