Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên; GS Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo các đơn vị y tế.
Triển khai từ năm 2013 tại 6 tỉnh thành, đến nay Việt Nam đã có 240 phòng khám BSGĐ. Các phòng khám này đã thực hiện 3.812 ca cấp cứu, khám chữa bệnh cho 807.720 lượt, phẫu thuật 12.024 ca, chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà hơn 3.094 ca và hơn 10.000 cuộc tư vấn... Tại TP.HCM, có 20/23 bệnh viện (BV) quận, huyện; 136/139 trạm y tế phường - xã thuộc các quận, huyện thành lập phòng khám BSGĐ và 4 phòng khám BSGĐ tư nhân; tổng số lượt khám bệnh tại các phòng khám BSGĐ là 652.261 ca, xét nghiệm 135.370 ca.
Việc nhân rộng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo lộ trình để đảm bảo đến hết năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình; 80% bác sĩ tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã (tương đương 9.000 bác sĩ) được đào tạo định hướng y học gia đình; 100% phòng khám bác sĩ gia đình ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử… Kế hoạch cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của 3 mô hình: phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế xã, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước. Quy mô của các phòng khám bác sĩ gia đình này được xác định tùy thuộc vào mô hình bệnh tật ở địa phương, điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất cụ thể và mức độ bao phủ cụm dân cư. Khuyến khích mỗi phòng khám bác sĩ gia đình quản lý tối thiểu 500 hồ sơ quản lý sức khỏe người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Chí Minh Đinh La Thăng đánh giá cao mô hình BSGĐ là một mô hình chăm sóc sức khỏe người dân xuyên suốt, có hệ thống và đặc biệt giúp giảm tải các bệnh viện. Để mô hình này phát huy được hiệu quả, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: “ Cần cụ thể hơn các mục tiêu của mô hình, nhất là các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội cần có chỉ tiêu cụ thể về số lượng bác sĩ, số phòng khám bác sĩ gia đình, số người dân sẽ tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình, phải có lộ trình, đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị". Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh để phát triển mô hình BSGĐ, không chỉ riêng ngành y tế mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Bộ Y tế nên báo cáo với Thủ tướng để chủ trì triển khai mô hình BSGĐ, qua đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến quận – huyện và xã- phường phải thực sự vào cuộc, có như vậy mô hình này mới thành công. Bí thư Đinh La Thăng gửi gắm những trăn trở hiện nay của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng, y tế cả nước nói chung ở 4 lĩnh vực gồm: Các biện pháp giảm tải bệnh viện; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Các biện pháp cải cách thủ tục khám chữa bệnh; Các biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý ngành Dược. Ông cũng cam kết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai thành công và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Bí thư đánh giá đây là một giải pháp hết sức quan trọng để giảm tải cho bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Theo GS Akdag Recep, tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đến với BSGĐ năm đầu tiên được chỉ định BS, từ năm thứ hai họ được lựa chọn BS - điều này làm cho BS, điều dưỡng phải thay đổi cách phục vụ để giữ bệnh nhân. BS có hợp đồng với ngành y tế chi trả trên đầu bệnh nhân, tạo ra hiệu quả để BSGĐ giữ chân bệnh nhân. Nếu phòng khám BSGĐ đạt các chỉ tiêu (số lượng bệnh nhân...) thì BS sẽ được tăng lương, thưởng. “Đó là cách khuyến khích giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân”, GS Akdag Recep nói và cho rằng triển khai hệ thống BSGĐ cần triển khai từng tỉnh và đảm bảo độ bao phủ toàn dân trong tỉnh. Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công sau khi đổi mới ngành y tế với mô hình BSGĐ (từ năm 2002).
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: mô hình BSGĐ là hệ thống y tế cơ sở gần dân nhất, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. BSGĐ là người biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình hoạt động BSGĐ tại nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm, đầu tư chưa tương xứng, nhiều hạn chế, bất cập và hiệu quả chưa cao. Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bộ trưởng cho rằng BSGĐ phải quản lý được sức khỏe của bệnh nhân, của gia đình bệnh nhân. Khi bệnh nhân chuyển viện, BSGĐ sẽ liên hệ với hệ thống y tế tiếp nhận bệnh nhân để khi bệnh nhân đến đã có người đón. Đó là một trong những quyền lợi của người tham gia mô hình BSGĐ.
Bộ trưởng BộY tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan báo chí truyền thông, cung cấp các thông tin về Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 của ngành Y tế, để mô hình phòng khám BSGĐ thực sự đi vào cuộc sống, nhân rộng ra trên cả nước, từng bước góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.
Sưu tầm