Hệ thống đào tạo nhân lực y tế đã có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên cả nước. Nhờ đó đã cung cấp nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng về cơ bản yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tất cả các tuyến y tế từ trung ương đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, cả nước có 43 cơ sở đào tạo trình độ đại học, với số lượng sinh viên đại học khối ngành sức khỏe tốt nghiệp ra trường giai đoạn 2006 - 2017 tăng gấp bốn lần, riêng số lượng bác sĩ tốt nghiệp ra trường giai đoạn này tăng khoảng gấp ba lần. Số lượng bác sĩ tăng từ 7,2 (năm 2010) lên hơn 8 bác sĩ/10 nghìn dân (năm 2017); tương tự, số dược sĩ có trình độ đại học tăng từ 1,76 (năm 2010) lên khoảng 2,5 (năm 2017)/10 nghìn người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, công tác đào tạo đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Mạng lưới cơ sở đào tạo và số lượng cơ sở đào tạo tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn với sự tham gia của các trường đa ngành. Chương trình đào tạo hầu hết chưa được điều chỉnh, chủ yếu dựa trên chương trình nặng về lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức về năng lực cần thiết cho người học, chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của hệ thống y tế. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển hơn, dân số tăng và già hóa, đòi hỏi chuẩn mực chăm sóc sức khỏe cao hơn cả về số lượng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao... Mặt khác, về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký thỏa thuận khung công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN về các lĩnh vực y khoa, nha khoa và điều dưỡng; cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN. Qua đó, về nguyên tắc, nhân lực ở các lĩnh vực nêu trên được phép đăng ký hành nghề tại các quốc gia trong khu vực. Các nước phải công bố chuẩn năng lực cơ bản cho từng đối tượng và tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề…
Ông Lê Quang Cường - Thứ trưởng Y tế cho biết, chất lượng đội ngũ nhân lực y tế (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng…) hiện nay chưa cao, nguyên nhân là do chương trình đào tạo của các trường phần lớn tập trung vào cung cấp kiến thức; sự phối hợp chưa tốt giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. Ðáng chú ý, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe chưa được kiểm định (đang triển khai); các chương trình đào tạo chưa có sự tham gia thường xuyên của các cơ sở (bệnh viện) thực hành, sinh viên chủ yếu nghe giảng trên giảng đường, thiếu cơ hội thực hành cho nên chưa đáp ứng các yêu cầu. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước thiếu các quy định phù hợp (đặc thù), chưa có tiêu chí kiểm định riêng chương trình đào tạo khối ngành sức khỏe, chưa đánh giá đầu ra cấp quốc gia…
Một bất cập khá rõ khác trong đào tạo nhân lực y tế ở nước ta hiện nay là chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa các năng lực nghiên cứu và năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Chỉ có các bằng hàn lâm (thạc sĩ, tiến sĩ) được công nhận ở cấp quốc gia, dẫn tới các chương trình thạc sĩ (hai năm) được thiết kế để cung cấp cả năng lực hành nghề và nghiên cứu, nhưng thực tế học viên không được đào tạo tốt ở cả hai năng lực. Các chương trình chuyên khoa (chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sĩ nội trú chỉ dành cho sinh viên giỏi) lại không được kiểm định và không có sự thống nhất về đầu ra. Các học viên theo học tại các trường y, phần đào tạo thực hành không được thiết kế tốt (vai trò của bệnh viện không rõ ràng), vì vậy năng lực thực hành sau khi ra trường còn hạn chế.
Những thách thức đó, đòi hỏi những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để đạt mục tiêu bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và hướng tới hội nhập quốc tế. Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ hai nhiệm vụ và giải pháp đối với đào tạo nhân lực y tế đó là: Ðổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. "Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề". Chính vì vậy, việc thể chế hóa các nội dung nêu trên là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp bách trong hoàn thiện các chính sách liên quan trong thời gian tới.
Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Trước mắt, để đổi mới đào tạo nhân lực y tế, cần đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược.
Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch, bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học. Việc đổi mới đào tạo hướng đến làm rõ hai loại năng lực: nghiên cứu và khám, chữa bệnh; ban hành các quy định về cơ chế phối hợp điều kiện đào tạo và thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe; chuyển đổi chương trình từ đào tạo thiên về cung cấp kiến thức thành đào tạo ra năng lực giải quyết được các vấn đề cơ bản. Ðồng thời, xây dựng và ban hành các chuẩn quốc gia về năng lực cho nhân lực y tế; chuẩn hóa mô hình đào tạo phù hợp khung trình độ quốc gia và hội nhập quốc tế. Chuẩn bị cơ sở, điều kiện cho tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề…
Sưu tầm