Từ 1/1/2016, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại bất kỳ cơ sở y tế cấp xã, huyện nào trong cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến.
Đây là một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu tán thành trên 82%.
Bà Tống Thị Song Hương,Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), cho biết điểm mới quan trọng trong Luật này là mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, từ 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Nghĩa là người bệnh có thể đi khám ban đầu ở bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã, huyện nào trên cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến. Từ năm 2021, sẽ mở thông tuyến tỉnh và nâng mức hưởng đối với người bệnh tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
Đối với người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo tham gia BHYT nếu tự đi khám, chữa bệnh tại BV tuyến Trung ương sẽ được Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú.
Với bệnh viện tuyến tỉnh, chi phí điều trị nội trú của những đối tượng trên nếu tự đi khám, chữa bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1/1/2015. Đến năm 2021, Quỹ sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú.
Cũng từ 1/1/2015, những đối tượng trên nếu tự đi khám, chữa bệnh tại BV tuyến huyện sẽ được Quỹ BHYT chi trả 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đến năm 2016, sẽ được chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh.
Luật BHYT sửa đổi lần này cũng quy định quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị cận thị, lác, tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi. Đồng thời, với trẻ đến 72 tháng tuổi (6 tuổi) chưa nhập học thì thẻ BHYT sẽ được tính có giá trị đến ngày 30/9 của năm đó, để tạo thuận lợi cho trẻ không bị ngắt quãng thời gian có thẻ BHYT.
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm của UBND các cấp phải cấp thẻ BHYT trùng với giấy khai sinh cho trẻ.
Một điểm mới quan trọng khác trong Luật là quy định bắt buộc tham gia BHYT. “Hình thức này khuyến khích tham gia theo hộ gia đình, hạn chế lựa chọn ngược, trùng lắp, gánh nặng chi phí khi có 100% người tham gia. Đặc biệt, khi tham gia theo hộ gia đình, Luật sẽ giảm dần mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi”, bà Song Hương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Luật cũng nâng mức hưởng BHYT đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn lên 100%; thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ cũng được chi trả 100%; đồng thời giảm mức đồng chi trả từ 20% xuống 5% với những thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Đặc biệt, Luật bổ sung quy định thanh toán 100% khi có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ