Theo thông tư 37, bắt đầu từ ngày 1/3/ sẽ có 1.800 kỹ thuật được điều chỉnh lại giá
Rối tung với thông tư 37
Tại trạm y tế Phường 9, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, ngày đầu tiên áp dụng thông tư 37, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh không khám cho bất kỳ bệnh nhân BHYT nào như thường lệ mà chuyển họ lên bệnh viện Quận 10.
Bác sĩ Oanh nói: “Thông tư ban hành, nhưng chưa ai hướng dẫn thu bệnh nhân bao nhiêu tiền, lỡ thu chênh lệch sau này không lẽ đi gặp bệnh nhân trả tiền nếu thu dư hoặc đòi tiền nếu thu thiếu”.
Tội nghiệp những bệnh nhân lớn tuổi ở đây. Tuần trước chỉ cần đi bộ ra trạm y tế, ngồi chờ vài phút là có thể khám bệnh lãnh thuốc, nhưng tuần này họ phải lặn lội đón xe lên tuyến trên chờ chực đến lượt mình.
Nhưng nhân viên y tế tuyến trên cũng không khá gì, nếu không nói là khổ hơn.
Theo thông tư 37 sẽ có 1.800 kỹ thuật được điều chỉnh giá lần này nhưng thực tế chỉ có vài trăm kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật của thông tư 43 và danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật của thông tư 50. Điều này gây khó hiểu và mệt mỏi cho nhân viên y tế khi thu phí với những kỹ thuật không thuộc thông tư 37.
Nhân viên tài chính của một bệnh viện tại Quận 5 , TP. Hồ Chí Minh nói: “Cùng kỹ thuật đó, nhưng thông tư cũ quy định giá cao hơn thông tư 37. Vậy nói quy định mới giúp cơ sở y tế tự chủ tài chính là làm sao? Làm theo chỉ có nước thua lỗ”.
Nhưng có lẽ người đau đầu nhất với thông tư 37 trong các cơ sở y tế là nhân viên tin học khi phải “cày ải như trâu” suốt những ngày qua để xử lý giá dịch vụ y tế. Vì nếu không ra được phần mềm có bảng giá mới, không biết cơ sở phải thu phí làm sao, nếu thu không đúng, hoặc cơ sở hoặc bệnh nhân phải chịu thiệt.
Ngày 29/2/2016, một ngày trước khi thông tư 37 có hiệu lực, bác sĩ Phan Xuân Trung, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế tiên đoán: “Ngày mai tất cả các bệnh viện tham gia BHYT sẽ cùng chơi trò tàu lượn với bảng giá mới. Bác sĩ sẽ không biết tên dịch vụ để chỉ định, ban giám đốc sẽ chạy lên chạy xuống, phòng công nghệ thông tin như gà mắc đẻ, bộ Y tế sẽ họp, họp và họp”.
Tiên đoán đó xem ra đúng ít nhất cho đến hôm 3/3/2016.
Sáng ngày 3/3/2016 bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, lãnh đạo bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh, cho biết những ngày qua ban Giám Đốc, lãnh đạo phòng ban, đặc biệt là bộ phận tài chính và công nghệ thông tin, phải trực chiến suốt để giải quyết những phát sinh khi áp dụng thông tư 37.
Trong khi đó, bác sĩ khám bệnh vừa khám bệnh vừa phải dò các danh mục kỹ thuật của thông tư 37 và thông tư cũ để ra y lệnh cho khớp, tránh phát sinh rắc rối sau này.
Chiều nay, cục Công nghệ thông tin bộ Y tế tổ chức cuộc họp để nắm bắt tình hình cơ sở về những chuyện thực tế của thông tư 37. Một cuộc họp xem ra cần thiết trong tình hình “rối ren” hiện nay. Nhưng cũng có người tự hỏi: Không biết BHYT bao giờ dừng “đổi mới” để khỏi làm khổ cơ sở và khổ người bệnh?
Nguồn: Châu Giang - theo TGTT