Sau khi bị sỏi thận, thay vì điều trị theo hướng của bác sĩ không ít bệnh nhân về mua thuốc nam, detox để loại bỏ sỏi thận và không ít người đã bị teo thận do biến chứng của sỏi thận.
Biến chứng vì detox trị sỏi thận
Đến bệnh viện Đại học Y khám, bà Nguyễn Thị H. 46 tuổi, trú tại Thanh Hoá được bác sĩ chẩn đoán sỏi thận. Sau khi được bác sĩ tư vấn về việc điều trị sỏi thận, bà H xin về nhà để lo viện phí và trao đổi với gia đình. Trong lúc ở nhà, bà được người xung quanh mách mua thuốc nam về uống trị sỏi thận rất hiệu quả. Sau 2 tháng dùng thuốc nam, bà H thấy người mệt mỏi hơn, đau vùng lưng và đi tiểu ra mủ.
Bà vội vàng đi viện kết quả viêm thận ứ mủ do sỏi thận “tập kết” trong thận mà không hề thải ra ngoài như bà H. mong muốn.
Không riêng gì bà H. tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đại học Y có những trường hợp phải cắt bỏ 1 bên thận vì sỏi thận biến chứng và trong đó họ đều điều trị bằng phương pháp của riêng mình hay tự tìm hiểu trên mạng.
Trường hợp của ông Trần Hữu Th. 54 tuổi, Nam Định bị sỏi thận đã mổ tại Bệnh viện Bạch Mai từ 10 năm trước nhưng đến nay sỏi thận tái phát. Ông Th. đi viện khám bác sĩ chỉ định mổ nhưng do ứ mủ thận nên phải dẫn lưu trước và sau khi hết ứ mủ mới mổ.
Tuy nhiên, về nhà, ông Th. được con cái giúp detox để thải sỏi thận. Theo con gái của ông, họ detox theo cách học trên mạng và lắp ghép thành “made by nhà mình” để ống thải độc sỏi thận, sỏi tiết niệu và làm sạch cơ thể mình.
Hơn tháng thải độc rồi thuốc nam, thuốc bắc , ông Th. phải đi viện gấp do bệnh nặng hơn. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận ông Th. bị tăng huyết áp do thận teo, thận viêm mạn tính - mất chức năng do điều trị sai cách. Nếu ông Th. không điều trị linh tinh mà làm theo phác đồ của các bác sĩ thì đã không phải mất 1 bên thận như vậy.
Nguyên nhân hình thành sỏi thận
Thạc sĩ Nguyễn Đình Liên - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: sỏi niệu quản được coi là kẻ giết người thầm lặng vì ít gây ra triệu chứng rầm rộ, làm suy giảm chức năng thận - ứ nước thận bên có sỏi một cách từ từ qua đó gây viêm thận kẽ mạn tính, ứ mủ thận,.. để lại những hậu quả đáng sợ như thận mất chức năng, tăng huyết áp không hồi phục do thận.
Chính vì vậy, khi được chẩn đoán sỏi niệu quản với kích thước nhỏ dù không có đau thắt lưng, không có cơn đau quặn thận thì bệnh nhân cần được y bác sỹ tư vấn chế độ điều trị, chế độ sinh hoạt – lao động – ăn uống và theo dõi một cách hợp lý nhắm mục đích tống xuất sỏi ra ngoài.
Các nguyên nhân gây sỏi choc ơ thể là do rối loạn chuyển hóa, điều kiện sinh hoạt – môi trường sống. Bệnh Goutte: Tăng nồng độ A. uric trong máu, tăng đào thải và lắng đọng cặn Urat, hình thành sỏi thận – niệu quản….Bệnh cường tuyến cận giáp: Tăng nồng độ canxi máu, tăng đào thải và lắng đọng canxi hình thành sỏi thận – niệu quản….Chế độ ăn uống giàu canxi. Bệnh cystein niệu di truyền: Hình thành sỏi Cysteine.
Khi bị sỏi thận, sỏi tiết niệu bệnh nhân nên được điều trị bài bản, tránh không sử dụng các biện pháp thuốc nam hay detox như hiện nay rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Liên, dấu hiệu của sỏi thận người bệnh sẽ thấy đau lưng, tiểu buốt, tiểu giắt, tiểu đục. 70% sỏi thường tập trung một nơi, chỉ có 30% nằm ở những vị trí khác nhau. Sự di chuyển của sỏi ở thận, niệu quản, bàng quang, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng và tiểu ra máu.
Để hạn chế sỏi niệu quản tái phát cho các bệnh nhân sỏi niệu quản trong các bệnh lý này sau một quá trình can thiệp nội – ngoại khoa cần điều trị nguyên nhân hình thành sỏi.
Sưu tầm