"Muốn giữ được người giỏi, bệnh viện phải thay đổi tư duy và cơ chế tuyển dụng, đào tạo, lành mạnh về cơ hội thăng tiến. Nếu ông muốn cha truyền con nối thì lập công ty riêng, còn ở đây là bệnh viện nhà nước thì ai giỏi là có cơ hội. Bên cạnh đó, thu nhập phải được đảm bảo, bác sĩ học hành nhiều như vậy mà lương 5-6 triệu đồng thì làm sao đủ sống?" Đó là phát biểu của Ông Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu TW.
Câu chuyện “Nhiều bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ xin nghỉ việc” đã thu hút sự bàn luận quanh câu chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công vì lý do thu nhập, áp lực công việc...Vấn đề được đặt ra tại thời điểm này là: Làm thế nào để có thể giữ được bác sỹ giỏi trong các bệnh viện công?
"Nghỉ không chỉ vì thu nhập thấp"
Đó là lời tâm sự của 1 bác sỹ ( xin được giấu tên) đã xin nghỉ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhân .
Tôi xin nghỉ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhân nhưng không hẳn vì vấn đề thu nhập, mà vì thấy môi trường ở bệnh viện công không còn thích hợp với mình nữa.
Làm nhiều năm ở bệnh viện công mới thấy một thực tế là những kiến thức học được ít có “đất dụng võ” bởi quy trình mua trang thiết bị khó khăn, thậm chí điều đó làm mai một những kiến thức chúng tôi học được. Trong khi bệnh viện tư nhân thì vấn đề mua trang thiết bị được giải quyết nhanh chóng để bác sĩ sử dụng thoải mái.
Ngoài ra, một vấn đề khiến bác sĩ chúng tôi thấy “sợ” ở bệnh viện công là câu chuyện thủ tục hành chính trong việc thanh toán bảo hiểm cho bệnh nhân. Nếu bác sĩ bệnh viện công mà sai sót một chút trong “mớ” thủ tục hành chính rườm rà của bảo hiểm y tế thì phải bồi thường, còn ở bệnh viện tư nhân thì có đội ngũ chuyên lo vấn đề này.
Để bệnh viện công thật sự là nơi thu hút, khiến bác sĩ an tâm công tác, ngoài vấn đề cải thiện môi trường làm việc, trang thiết bị như tôi nói, cũng cần phải tạo cho anh em có thu nhập tốt.
Tôi lấy ví dụ không chỉ ở TP Cần Thơ, mà ở các tỉnh thì bác sĩ ngoại thần kinh đều “hot” nhưng dường như không ai gắn bó lâu với bệnh viện vì mổ não rất cực, chi phí thấp, bác sĩ chỉ sống bằng tiền lương và tiền mổ ít ỏi rất khó trụ nổi.
"Bác sĩ ngoại thần kinh đều “hot” nhưng dường như không ai gắn bó lâu với bệnh viện vì mổ não rất cực, chi phí thấp, bác sĩ chỉ sống bằng tiền lương và tiền mổ ít ỏi rất khó trụ nổi"
"Đừng e ngại khi bác sĩ ra làm bệnh viện tư "
Ông Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu TW khẳng định.
Tôi đã đọc về tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công ở Cần Thơ, nhìn ở phương diện bệnh viện cụ thể thì đó là tình trạng đáng lo ngại với bệnh viện, nhưng nhìn ở phạm vi cả TP Cần Thơ thì không có gì đáng ngại và nếu nhìn trên bình diện quốc gia thì tôi cho đó là việc tốt, đáng khuyến khích.
Bởi có thể ở bệnh viện công ấy các bác sĩ chưa được cống hiến hết sức lực của mình, họ có thể chọn chuyển đi nơi khác để phát huy những kiến thức và kinh nghiệm họ có, ở đâu cũng là phục vụ người bệnh. Cái “được” nữa là bệnh viện công sẽ nhận thức được những gì còn bất ổn để thay đổi.
Khi tuyển dụng một nhân sự vào làm việc, có ứng cử viên mưu cầu sự phát triển về nghề nghiệp, có người mong được thăng tiến về vị trí, có người lại cần thu nhập cao. Những mong muốn đó đều không xấu và cần trân trọng. Nhưng tôi cam đoan rằng các bác sĩ giỏi họ không nghèo, không giàu như ông chủ nhưng thu nhập không phải là điều họ mưu cầu đầu tiên, mà mong mỏi nhiều hơn về chuyên môn và thăng tiến về sự nghiệp.
Muốn giữ được người giỏi, bệnh viện phải thay đổi tư duy và cơ chế tuyển dụng, đào tạo, lành mạnh về cơ hội thăng tiến. Nếu ông muốn cha truyền con nối thì lập công ty riêng, còn ở đây là bệnh viện nhà nước thì ai giỏi là có cơ hội. Bên cạnh đó, thu nhập phải được đảm bảo, bác sĩ học hành nhiều như vậy mà lương 5-6 triệu đồng thì làm sao đủ sống?
Việc bác sĩ rời bệnh viện công, theo tôi, là đáng báo động, nhưng là báo động ở bệnh viện ấy. Bệnh viện phải “sực tỉnh” để nhận ra vấn đề của mình và có chính sách ngay để giữ nhân tài như thu nhập, đãi ngộ, cơ hội chuyên môn và thăng tiến, nhưng không nên ngăn chặn vì đi đâu cũng là để bác sĩ phục vụ người bệnh.
Ở Nhật Bản năm 1994 có tới 76% bệnh viện là tư nhân, con số khoảng năm 2014 lên tới 82%, số lượng bệnh viện công lập còn rất ít ỏi. Đừng e ngại khi bác sĩ ra làm bệnh viện tư, vì khi hệ thống tư nhân mạnh lên và cạnh tranh với bệnh viện công thì chất lượng bệnh viện công cũng sẽ phải tăng, nếu không người bệnh sẽ không còn chọn đến khám chữa bệnh nữa.
Cần tăng thêm đãi ngộ cho ngành y
Có rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc cũng đề nghị các bệnh viên công nên có những cải cách về chế độ chính sách để thu hút và giữ người tài.
Bạn Kieunganguyen (kieunga.931974@...) chia sẻ:
"Để trở thành một bác sĩ phải tốn biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, khi thực hiện nhiệm vụ thì phải gánh trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, chế độ chính sách của ngành này còn quá thấp so với trí tuệ và chi phí mà người học bác sĩ đã bỏ ra. Vì vậy đề nghị những ngành chức năng có liên quan nên xem xét, cải cách lại chế độ chính sách cho ngành y, để các lương y của chúng ta đặt hết tâm huyết vào việc cứu người.
Hay như ý kiến của bạn Trần Văn Văn:
"Bác sĩ xin nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là cơ chế hoạt động và đãi ngộ, sử dụng con người. Những người tài giỏi thì không sử dụng, sử dụng toàn người nhà, người quen, thử hỏi làm sao người ta không chán cho được?"
Hoặc bạn Khanh (lkkhanh2510@...)
"Đa số bác sĩ nghỉ việc là do lương ít. Ai cũng biết bệnh viện công là nơi sử dụng thẻ khám bảo hiểm y tế, những người nghèo thường vào đấy khám nên mức lương của các bác sĩ bệnh viện công luôn thấp hơn bệnh viện tư. Nếu ai có lòng nghĩ cho người nghèo thì ở lại, còn không thì ra đi, vậy thôi. Còn nếu vì công việc quá tải thì ban lãnh đạo bệnh viện cần xem công việc chia cho các khoa đã ổn thỏa chưa?"
Thiết nghĩ, dù làm ở vị trí nào, ở đâu nhưng các bác sỹ vẫn luôn hoàn thành sứ mệnh của mình là chăm sóc, phục vụ nhân dân nhưng sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ như một hồi chuông thức tỉnh ngành y tế hiện nay nên thay đổi tư duy quản lý của mình để thu hút nhiều nhân tài hơn nữa.
Nguồn: Tuổi trẻ Online