Trong gần 30 năm tìm kiếm vắc-xin chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, các nhà khoa học vẫn chỉ luôn đi tới điểm thất bại. Thế nhưng mới đây, họ bất ngờ phát hiện một loại vắc-xin thất bại trên người nhưng làm việc trên bò. Nó thực sự giúp 4 con bò đầu tiên tạo ra được kháng thể chống virus HIV. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi trả lời được câu hỏi "Tại sao vắc-xin hiệu quả trên bò?" sẽ giúp chúng ta tìm ra phiên bản vắc-xin cho con người.
Khó khăn trong việc tìm ra vắc-xin HIV
Trên con đường tìm ra một loại vắc-xin chống lại HIV, tất cả các nhà khoa học đều gặp phải một nghịch lý khó hiểu. Các tế bào lympho B trong máu có thể tạo ra hơn 1012 loại kháng thể, là những phân tử giúp hệ miễn dịch nhận biết và vô hiệu hóa tác nhân lạ xâm nhập cơ thể như vi khuẩn và virus. Nhưng trong con số khổng lồ ấy, tại sao không hề có kháng thể đặc hiệu chống được HIV?
Thực tế, chỉ có khoảng 20% số người nhiễm HIV tạo ra được kháng thể vô hiệu hóa virus HIV-1 phổ rộng (bNAbs). Các kháng thể này được hình thành tự nhiên trong cơ thể, thực sự bảo vệ được một số tế bào chống lại virus.
Nhưng cũng trớ trêu, vì bNAbs xuất hiện quá muộn, thường vào thời điểm mà người bệnh đã nhiễm HIV được 2 năm. Khi đó, sự có mặt của kháng thể không thể giúp họ quá nhiều.
"Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan", tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Các bệnh Dị ứng và Nhiễm trùng Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID) cho biết. “Những người bị nhiễm HIV dường như không tạo ra được kháng thể thực sự tốt, hiệu quả và có tác dụng trên diện rộng".
Câu chuyện dẫn đến việc chúng ta phải tìm cách kích hoạt cơ thể tạo ra bNAbs sớm hơn, ngay từ ban đầu. Vắc-xin chính là công cụ vẫn thường cho phép chúng ta làm điều này. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn thất bại trong việc tạo kháng thể bNAbs bên trong cơ thể con người.
Câu trả lời ở nằm trong những con bò?
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho biết họ đã có thể tạo ra các kháng thể rất mạnh để chống lại virus HIV bên trong những con bò. Công việc được thực hiện dưới sự hợp tác của Viện Nghiên cứu Scripps, Tổ chức Sáng kiến vắc-xin AIDS quốc tế (IAVI) và Đại học A & M Texas.
Các nhà nghiên cứu đã tiêm các protein kích thích miễn dịch vào 4 con bò không hề nhiễm HIV. Họ phát hiện ra rằng những con bò này đã tạo được kháng thể bNAbs với HIV trong máu rất nhanh chóng. "Tôi đã bị sốc”, Devin Sok, tác giả nghiên cứu đến từ IAVI cho biết. "Nó thực sự rất thú vị, thú vị đến nỗi phát điên lên được. [Những con bò phản hồi với vắc-xin] rất nhanh chóng – chỉ mất một đến hai tháng - vượt xa những gì chúng tôi dự đoán".
Ngay khi phát hiện kết quả này, các nhà khoa học đã cô lập kháng thể từ máu của những con bò để nghiên cứu kỹ hơn. Họ phát hiện một loại kháng thể được đặt tên là NC-Cow 1 có tác dụng tấn công virus HIV rất mạnh.
"Cái nhìn sâu sắc, mà chúng ta rút ra được từ nghiên cứu này, là các cơ chế mà hệ thống miễn dịch của bò đã sử dụng để tạo ra kháng thể”, tiến sĩ Fauci nói.
Những con bò sẽ tiết lộ những thông tin hữu ích để các nhà khoa học có thể tạo ra được vắc-xin chống lại HIV. Tại vì, nếu “bắt chước” được các cơ chế trên bò, chúng ta có thể khiến vắc-xin HIV cũng hiệu quả trên người.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này cũng giúp chúng ta hiểu hơn về cách virus xâm nhập hệ thống miễn dịch của con người. “Là một nhà khoa học, tôi thấy điều này thực sự thú vị”, Sok nói. "Để giúp bạn hình dung được thì các kháng thể bNAbs đầu tiên đã được phát hiện từ những năm 1990”.
“Kể từ đó, chúng ta đã cố gắng tạo ra các kháng thể này thông qua tiêm phòng mà chưa một lần thành công, cho đến bây giờ, chúng ta có một con bò được chủng ngừa. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về cách vắc-xin HIV làm việc và mở ra hi vọng áp dụng nó trên người”.
Sưu tầm