Khi bước chân vào ngành Y, đa số bác sĩ được trang bị cho mình một tư thế đủ để xã hội kính trọng. Và chính vì cái vỏ bọc ấy mà nhiều khi lại hình thành nỗi lo sợ kiện cáo và phiền phức, trong khi luật pháp còn bỏ ngỏ câu chuyện bảo vệ những người làm nghề cao quý chữa bệnh cứu người.
Người nhà bệnh nhân xông vào đánh bác sĩ bệnh viện Bạch Mai
Người Việt Nam nói chung vẫn thường lo lắng về một viễn cảnh: Làm điều gì sai trái rồi bị kiện ra tòa, từ đó mất hết thể diện với gia đình, bạn bè, làng xóm. Đó là một quan niệm phổ biến từ xưa mà ngày nay ít nhiều không còn phù hợp: lấy giải hòa làm trung tâm của mọi vấn đề, tránh kiện cáo.
Đối với ngành Y, chữ “tín” lại được đẩy lên ở một vị trí cao quá mức bình thường, đến nỗi khi có một rủi ro y khoa xảy ra thì ngay lập tức, các bệnh viện có một hội đồng hòa giải gặp và nói chuyện với người bệnh, người nhà. Nếu sau khi giải thích, người nhà và người bệnh hiểu biết và chấp nhận hòa giải thì mọi chuyện êm xuôi. Ngược lại, nếu họ trở nên quá khích và quyết kiện cáo thì bệnh viện lại có xu hướng “đền bù” để tránh ảnh hưởng đến uy tín của bác sĩ cũng như của bệnh viện. Điều đó thể hiện sự thất bại của luật pháp hiện tại trong việc bảo vệ bác sĩ.
Phòng làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh bị người nhà đập phá tanh bành. Ảnh: VNN
Luật pháp hiện tại ở Việt Nam không có các điều khoản bảo vệ danh dự của bác sĩ. Trên thực tế, danh dự của bác sĩ rất lớn và được đánh giá không kém danh dự của một chính trị gia, bởi nó là sinh mạng nghề nghiệp của họ. Thử nghĩ, ngành Y tế rất đặc thù ở điểm: nếu người bệnh không đặt niềm tin vào bác sĩ thì sẽ không tuân thủ điều trị hoặc sẽ tìm bác sĩ khác, từ đó họ còn rỉ tai nhau dẫn đến hình ảnh xấu của bác sĩ kia. Những người rất giàu ở Việt Nam thường đặt niềm tin vào Y khoa tại Mỹ, tại Nhật, tại Singapo, tại Thái Lan mà không mặn mà với bác sĩ Việt. Những người giàu thường chỉ đặt niềm tin vào các bác sĩ đầu ngành của từng chuyên khoa. Những người trung lưu thường chỉ đặt niềm tin vào các bác sĩ có uy tín và bệnh viện lớn. Những người bình dân trông chờ vào các bệnh viện tỉnh và thành phố và những người nghèo thì chỉ biết trông chờ vào y tế cơ sở và tuyến huyện, dù rằng có thể rất tin tưởng tuyến trên. Không phải chuyên môn của bác sĩ Việt dở, cũng không phải ở tuyến dưới toàn bác sĩ kém.
Trong khi đó, đã có các du học sinh trao đổi đến Việt Nam để học tập bởi vốn kinh nghiệm lâm sàng to lớn của chúng ta. Vấn đề là ở chữ tín của chúng ta đối với người dân đã bị suy giảm nhiều mà không có biện pháp cải thiện nó. Ngành Y cũng chưa chú trọng công tác truyền thông, từ đó hình ảnh một bác sĩ nhiều khi hiện lên méo mó, và rất hay bị nhầm lẫn với các vị trí công việc khác như hộ lý, điều dưỡng.
Người Việt Nam phần đông có lối tư duy “ám thị”. Ví dụ: một người giàu khi đến bệnh viện tuyến Trung ương khám bệnh, do phải chen lấn quá nhiều, dẫn đến mệt mỏi. Khi gặp bác sĩ, do phải khám quá nhiều người bệnh nên bác sĩ phải khám nhanh. Mà người ta càng giàu thì càng có nhu cầu được tôn trọng. Từ cái nhu cầu đó, người ta có thể cho rằng bác sĩ tuyến trung ương không biết cách khám bệnh, mà đây lại là tuyến đầu ngành rồi, từ đó suy diễn ra: bác sĩ Việt đều kém như vậy. Và kể từ đây người đó chỉ tín nhiệm bệnh viện nước ngoài mà thôi.
Cũng vì tư duy “ám thị” đó mà người ta thường ngay lập tức đổ lỗi cho bác sĩ đã gây ra rủi ro cho người bệnh, mặc cho ai ra sức thanh minh, họ lại càng lấn tới và ngông cuồng hơn nữa. Trong khi không mấy ai đủ tri thức và nhẫn nại để hiểu được bác sĩ không phải thánh thần mà làm đảo ngược một quá trình sinh – tử vốn đã được hình thành từ trước, nếu như người bệnh rơi vào tình huống hiểm nghèo.
Và vì thế, họ đánh, họ mắng, họ chửi, họ sẵn sàng tát, đạp, thậm chí đấm thẳng vào mặt bác sĩ bởi họ cho rằng “nó chỉ biết lấy tiền thiên hạ mà không cứu được người nhà mình”. Họ không cần biết rằng, bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng Y học cũng có giới hạn của nó.
Bác sĩ sợ ra tòa, sợ kiện cáo, sợ làm ầm ĩ câu chuyện, một phần vì giáo dục nhân cách xã hội của chúng ta quá kém, dẫn đến thái độ hung hãn bầy đàn xuất hiện trong bộ phận không nhỏ người dân, một phần vì luật pháp của chúng ta chưa coi trọng việc bảo vệ danh dự của người bác sĩ. Nên nhớ rằng, với một bác sĩ thì danh dự được đặt lên hàng đầu và quan trọng nhất. Muốn bảo vệ danh dự đó, người bác sĩ phải không ngừng học tập và trả giá bằng chính cuộc sống cá nhân của mình.
Nếu như luật pháp nghiêm minh và bảo vệ được người thầy thuốc theo đúng những gì khoa học hiện có, nếu như mọi quy định đều rõ ràng và nếu như bác sĩ có một chỗ dựa luật pháp thì lợi ích lại thuộc về người bệnh, bởi khi đó bác sĩ mới yên tâm hành nghề và sẵn sàng ra tòa đối chất về mặt chuyên môn một cách văn minh mà không sợ người nhà đánh đập, thay vì tâm lý “thôi xoa dịu cho xong” như hiện nay. Mong rằng sẽ có một sự thay đổi sớm, đừng để xảy ra tình trạng bác sĩ phải rỉ tai nhau: “Thôi đừng làm, nhỡ người nhà kiện thì sao?” để rồi bỏ lỡ cơ hội cứu sống người bệnh một cách đáng tiếc.
Xin gửi đến người dân một thông điệp: “Khi vào bệnh viện, thái độ hợp tác sẽ giúp ích rất nhiều cho chính người nhà của bạn”.
Nguồn: BS Thanh Huyền - suckhoedoisong.vn