Thiếu máu là một hiện tượng mất cân bằng trong dinh dưỡng của cơ thể khiến cơ thể không được nhận đủ sắt. Thiếu máu sẽ trở nên nghiêm trọng nếu như người bệnh chủ quan. Làm sao để biết cơ thể thiếu máu và thiếu máu có phải là bệnh lý hay không?
1. Thế nào là thiếu máu?
Máu là một trong những nguyên tố chính đóng vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng cơ thể. Trong cơ thể có 3 loại tế bào máu là bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu. Mỗi một loại tế bào sẽ có nhiệm vụ khác nhau để nuôi cơ thể được khỏe mạnh. Khi một trong những tế bào này bị thiếu hụt hoặc mất cân bằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Giải thích cho việc tại sao máu có màu đỏ, là bởi vì trong tế bào hồng cầu có chứa huyết sắc tố - một loại protein giàu chất sắt, cũng chính là thành phần giúp máu có màu đỏ.
Vai trò của huyết sắc tố trong hồng cầu sẽ cho phép các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến nuôi các bộ phận của cơ thể và giúp vận chuyển carbon dioxide đào thải ra ngoài.
Tế bào hồng cầu được sản sinh từ tủy và sẽ nhận dinh dưỡng từ thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày để chuyển hóa thành máu, chính vì vậy, hiện tượng thiếu máu là do tủy không sản xuất đủ hồng cầu để vận chuyển oxy đến các cô của cơ thể.
2. Làm cách nào để nhận biết cơ thể thiếu máu? Một số dạng thiếu máu thường thấy ở các bệnh nhân như sau:
- Thiếu máu do mất máu cấp tính và mãn tính: Bệnh nhân bị thiếu máu ở dạng này thường là bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương nặng; xuất huyết dạ dày - tá tràng hay thiếu máu mãn tính do nhiễm ký sinh trùng, bệnh trĩ…
- Thiếu máu do cơ thể thiếu chất hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng: Để tạo được ra máu cơ thể cần được cung cấp đủ cá dưỡng chất như sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin C, protein… để sản sinh ra hồng cầu. Nếu như thiếu 1 trong những chất này hoặc hàm lượng cung cấp cho cơ thể không đủ sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể không đủ hồng cầu;
- Thiếu máu do rối loạn quá trình tạo máu: Thông thường, những bệnh nhân bị thiếu máu ở dạng này thường mắc những bệnh lý liên quan đến tủy như: suy tủy, loạn sản tủy xương, tủy xương bị chèn ép hoặc ung thư…
- Thiếu máu do huyết tán: Đây là một bệnh lý về các vấn đề của hồng cầu như bệnh hồng cầu hình bia hoặc hình liềm, thiếu hụt men G6PD, rối loạn huyết sắc tố trong thalassemia hoặc các bệnh lý về nhiễm trùng, nhiễm độc máu.
Thiếu máu có thể là hiện tượng tạm thời hoặc do bệnh lý. Chính vì thế bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kịp thời phát hiện những triệu chứng của bệnh lý nghiêm trọng.
3. Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị thiếu máu?
Khi bị thiếu máu, người bệnh sẽ có những biểu hiện cơ bản như: ù tai, hoa mắt, chóng mặt. Đối với những bệnh nhân thiếu máu trong thời gian dài sẽ có tình trạng ngất đột ngột, đánh trống ngực, sắc tố da nhạt màu, rụng tóc, tim đập nhanh, một số trường hợp sẽ bị chán ăn và khó thở.
4. Thiếu máu có nguy hiểm không?
Việc thiếu máu tạm thời không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe và bệnh nhân sẽ hồi phục nếu cân bằng lại dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, đa số các trường hợp thiếu máu đều có nguy cơ trở thành dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh ly nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể người bệnh.
Một số bệnh lý sẽ xuất hiện nếu tình trạng thiếu máu kéo dài như suy giảm các chức năng của tim, thận và sự hồi phục của cơ thể. Đối với phụ nữ đang trong quá trình mang thai nếu thiếu máu sẽ có nguy cơ sinh non.
5. Phòng ngừa và điều trị thiếu máu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, vì vậy cần tùy thuộc vào tình trạng của mỗi bệnh nhân để có phương pháp điều trị thích hợp. Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu, chúng ta cần cung cấp đủ dưỡng chất như sắt và các vitamin cho cơ thể.
Đối với các bệnh nhân thiếu máu do mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể, bệnh nhân cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ trong việc bổ sung các dưỡng chất và vitamin. Việc dư thừa các dưỡng chất trong chế độ dinh dưỡng không hẳn là tốt cho cơ thể, đôi khi còn phản tác dụng ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Đối với các trường hợp thiếu máu do bệnh lý mãn tính như:
- Thiếu máu do bệnh thận: Người bệnh có thể sẽ phải tiêm hormone erythropoietin để kích thích quá trình tạo máu;
- Một số trường hợp thiếu máu do các bệnh lý về hồng cầu, bệnh nhân cần sử dụng hydroxyurea theo sự chỉ định của bác sĩ;
- Nếu bệnh nhân thiếu máu ở mức độ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, bác sĩ sẽ chỉ đinh tiếp máu cùng nóm máu khi cần thiết;
- Nhiều trường hợp sẽ phải thực hiện cấy ghép tủy, thay huyết tương hoặc cắt bỏ lá lách để tái tạo quá trình sản xuất hồng cầu.
Thiếu máu không những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm khác. Khi phát hiện thiếu máu, người bệnh cần liên hệ đến các cơ sở y tế để được thực hiện các xét nghiệm về máu, từ đó làm cơ sở chẩn đoán tình trạng sức khỏe nhé.