Là phương pháp điều trị dứt điểm, mổ đục thủy tinh thể bằng cách tán nhỏ và hút thủy tinh thể bị đục ra ngoài và thay thế bằng một thấu kính nhân tạo. Tuy nhiên nhiều người bệnh vẫn còn băn khoăn nhiều vấn đề xoay quanh phẫu thuật đục thủy tinh thể như: chi phí mổ đục thủy tinh thể có bảo hiểm, mổ đục thủy tinh thể kiêng gì?
1. Hiện trạng mắc đục thủy tinh thể hiện nay
Theo thống kê, bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới mù lòa, mất thị lực. Cụ thể:
Trong tổng số 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực trên toàn cầu, 1 tỷ người bị suy giảm thị lực mà lẽ ra có thể ngăn ngừa được.
Trong số 1 tỷ người khiếm thị có thể được ngăn ngừa, 65,2 triệu người là do đục thủy tinh thể.
Trong số 39 triệu (14%) người mù và 246 triệu (86%) người có thị lực kém theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2010, đục thủy tinh thể chiếm 50% nguyên nhân gây mù và 33% thị lực kém.
Trong tổng số 285 triệu người khiếm thị trên thế giới, 90% sống ở các vùng nông thôn với ít hoặc thiếu trang thiết bị chăm sóc mắt. Trên thế giới, 82% người mù và 65% người kém thị lực ở độ tuổi ⩾52 và 80% nguyên nhân là có thể phòng ngừa được hoặc có thể chữa khỏi.
Điều này đã dẫn đến gánh nặng ngày càng tăng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, mổ đục thủy tinh thể là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể.
Hình ảnh mắt bị đục thủy tinh thể ở các mức độ khác nhau
2. Tìm hiểu về mổ đục thủy tinh thể là gì?
- Thủy tinh thể là một cấu trúc bên trong mắt có vai trò như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng qua võng mạc. Võng mạc là lớp cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt của người bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thể thủy tinh và hội tụ trên võng mạc, thể thủy tinh phải trong suốt mới tạo ảnh rõ nét được.
- Đục thủy tinh thể là hiện tượng có một vùng mờ trong thủy tinh thể của mắt khiến người bệnh khó có thể nhìn rõ. Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể.
- Mổ đục thủy tinh thể là một phương pháp phẫu thuật tương đối đơn giản, bằng cách tán nhuyễn thủy tinh thể của người bệnh rồi thay thế thủy tinh thể của người bệnh bằng thủy tinh thể nhân tạo. Nó giúp cho người bệnh có thể lấy lại thị lực như ban đầu.
- Theo thống kê của Bộ Y tế hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng như:
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể trong bao (Intra- capsular), phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao (Extracapsular), phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification), phẫu thuật Phaco với sự trợ giúp của Femtosecond laser…Trong đó phương pháp phẫu thuật Phaco được sử dụng phổ biến vì có nhiều ưu điểm, ít hạn chế so với các phương pháp còn lại.
Thể thủy tinh nhân tạo được sử dụng để chữa bệnh đục thủy tinh thể
3. Lưu ý trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
3.1. Tiến hành kiểm tra các xét nghiệm cần thiết:
* Khám khúc xạ:
Khám khúc xạ là bước để đo thị lực của người bệnh khi có kinh và không có kính. Bằng cách sử dụng bảng thị lực, đèn soi bóng đồng tử, máy đo khúc xạ tự động và hộp thử kính.
- Quy trình: Kỹ thuật viên khúc xạ hoặc nhân viên điều dưỡng tiến hành đo thị lực mắt trái trước, mắt phải sau, đo thị lực qua kính đeo và kính lỗ (nếu có).
- Các thời điểm cần khám khúc xạ khi phẫu thuật đục thủy tinh thể: trước phẫu thuật, sau phẫu thuật một ngày, một tuần, một tháng.
* Đo các chỉ số sinh học:
Đo chỉ số sinh học trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể để kiểm tra các chỉ số này có ảnh hướng tới kết quả phẫu thuật hay không.
Để thực hiện bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc kỹ thuật viên đã được đào tạo chuyên sâu sẽ sử dụng một số dụng cụ đặc thù:
+ Máy đo công suất khúc xạ giác mạc (lòng đen).
+ Máy siêu âm A.
+ Máy siêu âm B: để kiểm tra tình trạng dịch kính võng mạc (dịch kính võng mạc là hai trong số các phần quan trọng của mắt người).
+ Thuốc tê nhỏ mắt.
+ Dung dịch Nacl (nước muối) 0,9% rửa mắt sau khi siêu âm.
+ Máy đo bản đồ giác mạc.
+ Máy đếm tế bào nội mô giác mạc (sử dụng trong trường hợp phẫu thuật bằng phương pháp Phaco, loạn dưỡng giác mạc sau phẫu thuật, người có bệnh lý giác mạc, đặc biệt người bệnh có mắt phẫu thuật lần trước thất bại, người già…).
3.2. Chuẩn bị trước khi tiến hành phẫu thuật:
* Đối với người bệnh:
+ Xét nghiệm đo hình dạng và kích thước mắt trước ngày thực hiện phẫu thuật theo hướng dẫn bác sĩ
+ Không ăn bất cứ thứ gì trước đêm mổ đục thủy tinh thể khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
+ Tùy theo hướng dẫn của bác sĩ và tình trạng huyết áp người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc hạ nhãn áp ( 2 viên Acetazolamid mỗi viên 250mg, 1 viên Kaleorid 600mg hoặc các thuốc có tác dụng tương đương), trước khi phẫu thuật hai giờ.
+ Thay quần áo phẫu thuật chuyên dụng
+ Đánh dấu mắt cần phẫu thuật bằng bút không xóa được, đeo bảng tên (bao gồm các thông tin sau: họ và tên, tuổi, mắt cần phẫu thuật, ngày phẫu thuật, bác sĩ thực hiện phẫu thuật).
+ Nhỏ dung dịch sát trùng và thuốc giãn đồng tử (làm cho đồng tử của người bệnh to ra) vào mắt cần phẫu thuật. (Lần 1)
+ Tiếp theo điều dưỡng đưa người bệnh kèm theo hồ sơ bệnh án đến phòng phẫu thuật, bàn giao cho kỹ thuật viên gây mê hồi sức hoặc điều dưỡng của khoa phòng phẫu thuật.
* Tại khoa phòng phẫu thuật:
- Kỹ thuật viên gây mê hồi sức hoặc điều dưỡng của khoa phòng phẫu thuật tiếp nhận bệnh nhân và hồ sơ bệnh án, sắp xếp chỗ ngồi hoặc nằm cho người bệnh tại phòng chờ.
- Kiểm tra trước khi gây mê: tiền sử bệnh (bệnh đã mắc; dị ứng thuốc gì; đang dùng thuốc gì: thuốc chống đông máu,đái tháo đường, tăng huyết áp… gia đình có ai bị mắc các bệnh về mắt không…).
- Nhỏ dung dịch sát trùng vùng da mi và thuốc giãn đồng tử (làm cho đồng tử của người bệnh to ra) vào mắt cần phẫu thuật (Lần 2) trước khi tiến hành gây mê, gây tê.
- Tùy theo chỉ định của bác sĩ người bệnh được gây tê tại chỗ cần phẫu thuật hay gây mê. Trước khi tiến hành phẫu thuật người bệnh được nhỏ mắt dung dịch sát trùng, thuốc gây tê. (Lần 3)
* Kỹ thuật vô cảm (bao gồm các kỹ thuật: nhỏ thuốc gây tê vào mắt phẫu thuật, tiêm thuốc gây tê vào mắt phẫu thuật, gây mê).
-Nhỏ thuốc gây tê:
+ Yêu cầu: người thực hiện nhỏ phải có kinh nghiệm, người bệnh hợp tác, đục thủy tinh thể có nhân không quá cứng.
+ Thuốc gây tê được sử dụng là: Proparacaine (Alcaine) 0,5%, Dicain 1%, Tetracain… trước khi phẫu thuật 15 phút.
-Tiêm thuốc gây tê:
+ Vị trí tiêm: ở cạnh nhãn cầu ⅓ ngoài và ⅔ trong sát thành dưới hốc mắt, sau nhãn cầu, ở dưới bao Tenon (là một bao xơ bọc quanh nhãn cầu), ở tiền phòng (là khoảng không gian được tính từ mặt sau của lòng đen đến mặt trước của mống mắt).
+ Thuốc gây tê được sử dụng là: dung dịch Lidocain 2% 0,1-0,2 ml, không có chất bảo quản. Sau khi tiêm dùng ngón tay hoặc dụng cụ ép lên nhãn cầu, mi mắt cần nhắm kín trong khoảng từ 5-10 phút.
-Gây mê: Áp dụng cho những trường hợp sau: dị ứng thuốc tiêm gây tê, trẻ em, người bệnh không hợp tác…
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh, khôi phục thị lực nhanh chóng
4. 2 Phương pháp mổ đục thủy tinh thể tiến tiến phổ biến
4.1. Phương pháp phẫu thuật phaco đục thủy tinh thể
-Phương pháp phẫu thuật Phaco (phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm) (phacoemulsification): Các bác sĩ sẽ dùng một kim dẫn bằng siêu âm từ máy Phaco để tán nhuyễn nhân thể thủy tinh và hút chất thể thủy tinh quá lỗ kim đó.
- Có tất cả năm kỹ thuật Phaco cơ bản hay được sử dụng và nhiều kỹ thuật khác như:
+ Đối với những người bệnh bị đục thủy tinh thể nhân mềm, các bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật Chip and Flip, Flip.
+ Đối với những người bệnh bị đục thủy tinh thể nhân cứng, các bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật Chop (kỹ thuật bổ nhân), Stop and Chop (kỹ thuật giữ và bổ nhân), Divide and Conquer (kỹ thuật cắt nhân thành bốn mảnh).
Tùy theo độ cứng của nhân, kinh nghiệm mà các bác sĩ sẽ tiến hành hội chuẩn và đưa ra kết luận sử dụng kỹ thuật phù hợp nhất trong từng trường hợp cụ thể.
- Phẫu thuật Phaco hiện nay được áp dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện nhãn khoa trên thế giới và Việt Nam. Phương pháp phẫu thuật này có những ưu điểm: vết mổ nhỏ, an toàn hơn, thị lực phục hồi tốt hơn, người bệnh có thể ra viện sớm, giảm độ loạn thị sau mổ và giảm thiểu được những tai biến.
- Tuy nhiên phương pháp này cũng có một số những hạn chế sau:
+ Đối với những người bệnh bị đục thủy tinh thể có nhân quá cứng, tiên lượng (phỏng đoán sau phẫu thuật) bằng phương pháp Phaco rất dè dặt, năng lượng siêu âm từ máy Phaco cao có thể gây rách màng bao sau, loạn dưỡng giác mạc hoặc phù.
+ Phải có đầy đủ trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật.
+ Đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu (có chứng chỉ phẫu thuật Phaco).
Minh họa quá trình thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco
4.2. Mổ đục thủy tinh thể bằng Laser
LASER CATARACT là kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể hiện đại nhất hiện nay bằng cách tán nhuyễn thể thủy tinh bằng Laser và hút chất nhân và nhân sau đó đặt thể thủy tinh nhân tạo vào.
Phương pháp chữa bệnh đục thủy nhân tạo bằng Laser được thực hiện bằng cách sử dụng Femtosecond Laser để rạch giác mạc, tạo đường xé bao trước thủy tinh và tán nhuyễn tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục.
Sau đó, bác sĩ tiến hành hút chất nhân và nhân, thực hiện bơm đầy chất nhày và đặt thủy tinh thể nhân tạo vào hậu phóng.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng Laser tiên tiến, an toàn
5. Quy trình mổ đục thủy tinh thể tại cơ sở y tế
Dưới đây quy trình chi tiết khi thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco:
- Bước 1: Bộc lộ nhãn cầu, cố định cơ trực (nếu cần).
- Bước 2: Tạo ra đường hầm để vào tiền phòng. Có 3 cách sau thường được áp dụng:
+ Tạo ra đường hầm từ vùng rìa: cắt song song cách vùng 1,5 mm về phía củng mạc (là phần màu trắng của mắt, có chức năng là lớp ngoài bảo vệ mắt). Cắt thêm 1mm sẽ vào đến tiền phòng.
+ Tạo ra đường hầm từ giác mạc: Dùng dao phẫu thuật cắt trực tiếp ở vùng giác mạc sẽ hiện ra đường hầm trong giác mạc dài khoảng 2-2,5mm.
+ Tạo ra đường hầm từ củng mạc: cắt cách vùng rìa 2-2,5mm về phía củng mạc. Cắt thêm 1mm sẽ vào đến tiền phòng.
- Bước 3: Bơm dịch nhầy vào trong tiền phòng.
- Bước 4: Mở đường phẫu thuật phụ bằng dao, một góc 15° (so với đường cắt chính đã nêu ở bước 2).
- Bước 5: Xé bao thủy tinh thể: có thể xé bao bằng kẹp phẫu tách xé bao hoặc bằng kim. Đường kính xé trong khoảng từ 5,5-6mm. Trong trường hợp khó nhìn thấy bao thì trước khi xé bảo bác sĩ có thể phải nhuộm bao để nhìn thấy bao rõ hơn.
- Bước 6: Tách nhân thủy tinh thể bằng nước cho đến khi xoay khối nhân một cách dễ dàng.
- Bước 7: Dùng đầu Phaco để tán nhuyễn nhân thủy tinh thể. Để tán nhuyễn có thể dùng một trong các kỹ thuật sau:
+ Kỹ thuật Chop (bổ nhân).
+ Kỹ thuật Stop and Chop (giữ và bổ nhân).
+ Kỹ thuật Divide and conquer (cắt nhân thành bốn mảnh).
- Bước 8: Dùng đầu hút để hút sạch chất nhân.
- Bước 9: Bơm dịch nhầy sau đó đặt thủy tinh thể nhân tạo vào trong túi bao.
- Bước 10: Rửa sạch chất nhầy còn sót lại và tái tạo tiền phòng.
- Bước 11: Kiểm tra độ kín của vết khâu phẫu thuật.
- Bước 12: Sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm tại chỗ vừa phẫu thuật.
- Bước 13: Băng bó mắt.
Quy trình thay đục thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp Phaco được các cơ sở y tế thực hiện
6. Hướng dẫn chăm sóc mắt sau mổ đục thủy tinh thể đúng cách
* Thuốc bổ mắt sau khi mổ đục thủy tinh thể:
Sau khi mổ đục thủy tinh thể, sử dụng thuốc bổ mắt không chỉ giúp tăng sức khỏe mắt mà còn giúp việc hồi phục sau phẫu thuật nhanh hơn. Tuy nhiên, người bệnh sau khi phẫu thuật cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định.
- Thuốc kháng sinh: nhỏ thuốc kháng sinh 4-6 lần/ ngày trong vòng một tuần.
- Thuốc chống viêm: có 2 loại thuốc chống viêm có steroid và thuốc chống viêm không có steroid
+ Corticosteroid (thuốc chống viêm có steroid): Dexamethasone, Prednisolone, Betnesol… tra 4 lần/ ngày trong vòng từ 4-6 tuần.
+ Có thể dùng phối hợp thuốc Corticosteroid và thuốc NSAID (thuốc chống viêm không có steroid).
-Tùy từng trường hợp theo chỉ định của bác sĩ có thể dùng thêm một số các loại thuốc khác như: thuốc hạ nhãn áp, thuốc giảm đau, thuốc chống phù, thuốc giãn đồng tử…
* Những điều cần lưu ý chăm sóc mắt sau mổ đục thủy tinh thể:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng liều lượng và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Đến ngay phòng khám nếu gặp các dấu hiệu bất thường.
- Giữ gìn vệ sinh mắt sạch sẽ.
- Đeo kính để bảo vệ mắt.
- Không chạm tay vào mắt, cúi xuống và nâng các vật nặng.
- Không lái xe trong hai tuần đầu sau khi phẫu thuật…
7. Các câu hỏi thường gặp về đục thủy tinh thể
7.1. Biến chứng sau mổ đục thủy tinh thể là gì?
Việc lơ là chăm sóc mắt sau phẫu thuật đục thủy tinh thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết tiền phòng (chảy máu)
- Xẹp tiền phòng
- Viêm màng bồ đào (bao gồm viêm mống mắt, thể mi và hắc mạch)
- Phù nề giác mạc
- Tăng nhãn áp
- Viêm mủ nội nhãn, bệnh glôcôm (là một nhóm bệnh lý gây tổn thương thần kinh thị giác do làm nhãn áp trong mắt).
- Phù hoàng điểm dạng nang (hoàng điểm là một phần của võng mạc ở phía sau mắt, giúp nhận biết màu sắc và chi tiết hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy).
- Bong võng mạc, bệnh giác mạc bọng (phù giác mạc do bù nội mô)
- Mép phẫu thuật không kín
- Mép phẫu thuật quá chặt
7.2. Gợi ý thuốc nhỏ mắt đục thủy tinh thể
Thuốc nhỏ mắt đục thủy tinh thể (cườm khô) là giải pháp hỗ rợ thị lực hiệu quả dành cho người bị bệnh nhẹ chưa cần tiến hành mổ đục thủy tinh thể:
-TOBIREX: 21.000₫/ lọ, gồm hoạt chất tobramycin, dexamethasone.
Tác dụng: bệnh nhân đục thủy tinh thể nhẹ, viêm ở mắt, nhiễm khuẩn nông, tổn thương giác mạc, viêm bồ đào…
Liều dùng: mỗi lần nhỏ 1-2 giọt cách nhau 4-6 giờ.
- KARY UNI: 47.000₫/ lọ, hoạt chất chính Pirenoxine.
Tác dụng: mới bị đục thủy tinh thể, dự phòng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể…
Liều dùng: mỗi lần nhỏ 1-2 giọt, 3-5 lần/ngày.
- VISEMED: 224.000₫/ lọ, hoạt chất chính Natri Hyaluronate.
Tác dụng: bệnh nhân sau phẫu thuật, khô mắt,...
Liều dùng: nhỏ 1-2 giọt thường xuyên khi cần.
- TAURINE SOLOPHARM 4%: 240.000₫/ lọ, hoạt chất chính: Taurine.
Tác dụng: người lớn tuổi bị đục thủy tinh thể, viêm giác mạc, chấn thương mắt, phòng ngừa loạn thị, cận thị, bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng ở mắt…
Liều dùng: nhỏ 1-2 giọt, 2-4 lần/ ngày, nhỏ liên tục trong 3 tháng.
7.3. Lưu ý mổ đục thủy tinh thể kiêng ăn gì
Để tránh các biến chứng sau khi phẫu thuật mổ đục thủy tinh thể, người bệnh cần chú ý kiêng ăn một số thực phẩm sau:
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo như: đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, nước giải khát... Những thực phẩm này làm chậm thời gian hồi phục của mắt.
- Thực phẩm có chứa chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, thực ăn chua, cay, nóng…làm tăng nguy cơ tái phát đục thủy tinh thể.
- Thức ăn chứa nhiều đường như: đường, sữa, bánh, kẹo… vì nó làm chậm khả năng phục hồi vết thương.
- Thực phẩm nhiều muối và chất bảo quản: thịt xông khói, thịt hộp…vì làm tăng quá trình oxy hóa (phân hủy)...
7.4. Mổ đục thủy tinh thể bao lâu thì lành và xuất viện?
-Theo bác sĩ nhãn khoa: trung bình người bệnh mất từ 4-6 tuần để mắt hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên có một số trường hợp người bệnh phải đến 3 tháng để hồi phục hoàn toàn.
-Sau mổ đục thủy tinh thể các bác sĩ thăm khám, kiểm tra kỹ càng; nếu như tình trạng của người bệnh ổn định thì có thể được xuất viện ngay trong ngày sau khi phẫu thuật.
Tóm lại trên những người bệnh cụ thể dựa vào sự tiến triển qua từng ngày mà bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng cho từng người bệnh là khác nhau.
7.5. Khi nào nên mổ đục thủy tinh thể cho mắt?
Những người bệnh sau được bác sĩ chỉ định nên làm phẫu thuật đục thủy tinh thể:
-Người bệnh bị mất thị lực khiến các sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn như: đọc sách, xem tivi, lái xe…
-Người bệnh xuất hiện các biến chứng của bệnh đục thủy tinh thể.
-Bệnh đục thủy tinh thể làm cản trở việc theo dõi và điều trị các bệnh như: bệnh võng mạc, bệnh glôcôm, bệnh lý dịch kính…
-Người bệnh mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc thoái hoá điểm vàng (là một bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc) do tuổi tác (AMD) bác sĩ cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể thì mới có thể khám đáy mắt của bệnh nhân và điều trị hai bệnh trên.
8. Chi phí mổ đục thủy tinh thể bao nhiêu tiền
Chi phí mổ đục thủy tinh thể phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: chọn phương pháp phẫu thuật nào, loại thấu kính nào…Nếu người bệnh mắc các bệnh lý khác chi phí điều trị có thể cao hơn. Theo số liệu tham khảo tại Bệnh viện mắt Trung ương Hà Nội và Bệnh viện mắt Hồ Chí Minh chi phí cho một ca phẫu thuật đục thủy tinh thể dao động từ 4-42 triệu đồng. Nếu người bệnh có Bảo hiểm Y tế và đi đúng tuyến sẽ được miễn giảm một phần chi phí.