Quai bị được cho là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và thường xuất hiện ở trẻ em. Đây là loại bệnh có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Theo dõi bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về bệnh quai bị và cách phòng tránh căn bệnh này.
1. Thế nào là bệnh quai bị?
Quai bị là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính có tên gọi dân gian là má chàm bàm. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh này như vô sinh ở nam giới, viêm tụy, viêm màng não…
Bệnh nhân khi bị nhiễm virus quai bị sẽ có thời gian mắc bệnh từ 12 - 24 ngày và thường xuất hiện ở trẻ em giai đoạn từ 2-14 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi thường rất hiếm hoặc rất ít khi mắc bệnh này. Người khi đã bị mắc quai bị cơ thể sẽ sinh ra kháng thể và hiếm khi bị tái lại.
2. Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh quai bị
Bệnh quai bị được hình thành do virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae gây ra. Con đường lây truyền của bệnh này chủ yếu qua đường hô hấp hoặc qua nước bọt, dịch tiết mũi. Thời gian ủ bệnh của loại bẹnh này khá ngắn, khoảng 2 ngày trước khi khởi phát và 6 ngày sau khi triệu chứng biến mất, và đây cũng là thời gian phát tán virus mạnh nhất.
Dấu hiệu nhận biết khi bị quai bị đầu tiên là sốt và tuyến mang tai sưng to trong khoảng 3 ngày đầu, sau khoảng 1 tuần thì vết sưng sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến các dấu hiệu khác đi kèm như: viêm họng, nhai nuốt thức ăn khó khăn, 1 hoặc 2 bên mặt bị biến dạng, đau mỏi toàn thân; một số trường hợp có thể bị đau tinh hoàn hoặc sưng bìu.
3. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm và sẽ có những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Dưới đây là những biến chứng mà người bệnh thường gặp trong quá trình điều trị quai bị:
- Đối với nam giới: Biến chứng nguy hiểm nhất khi bệnh nhất mắc bệnh quai bị đối với nam giới là viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn dẫn đến bệnh vô sinh;
- Đối với nữ, khi mắc quai bị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với biến chứng viêm buồng trứng. Triệu chứng để nhận biết trường hợp này là đau bụng dưới, rong kinh. Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai nếu mắc quai bị có thể bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu…
- Ngoài ra bệnh nhân mắc quai bị sẽ gặp một số biến chứng như: nhồi máu phổi, viêm tụy cấp, viêm màng não và viêm cơ tim.
Mặc dù đây là loại bệnh lý thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ em nhưng người lớn cũng có thể nhiễm bệnh và bệnh trở nặng sẽ nhanh hơn so với trẻ nhỏ. Không chỉ ảnh hướng đến chức năng sinh sản của người bệnh mà quai bị còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
4. Phương pháp điều trị và phòng tránh bệnh quai bị?
Để điều trị được quai bị kịp thời và đúng cách, việc đầu tiên khi bạn nghi ngờ mình mắc bệnh quai bị, người bệnh cần liên hệ bác sĩ hoặc cơ sở y tế kịp thời để được khám và điều trị chính xác nhằm giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.
Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh quai bị và chỉ có thể điều trị theo triệu chứng người bệnh gặp phải và giúp bệnh nhân có những biện pháp phòng ngừa biến chứng.
Khi bị quai bị, cần căn cứ vào những dấu hiệu người bệnh có để sử dụng thuốc thích hợp:
- Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc hạ sốt, giảm đau;
- Uống đủ nước, đặc biệt là oresol để bù nước và điện giải;
- Nghỉ ngơi nhiều và hạn chế vận động mạnh, tránh tiếp xúc với những nhiều người, đặc biệt là trẻ em;
- Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu. Hạn chế các thực phẩm có tính cay nóng, các loại thực phẩm cứng. Bổ sung vitamin C để tăng đề kháng;
- Tránh gió tuyệt đối cho bệnh nhân để hạn chế vùng quai bị sưng to và trở nặng hơn;
- Vệ sinh răng miệng đúng cách và theo sự hướng dẫn của bác sĩ;
- Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng như viêm tinh hoàn hoặc viêm buồng trứng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và chữa trị, tránh những biến chứng đáng tiếc về sau.
Để phòng ngừa bệnh này, không có cách nào khác chúng ta cần giữ vệ sinh cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày; thường xuyên vệ sinh nhà ở, vật dụng, đồ chơi của trẻ; đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và tiêm vaccine ngừa bệnh. Hiện nay vaccine là phương pháp ngừa bệnh hiệu quả nhất được các chuyên gia khuyến cáo.