1.Tìm hiểu về bệnh đục thủy tinh thể là gì?
-Thủy tinh thể là một cấu trúc bên trong mắt có vai trò như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng qua võng mạc. Võng mạc là lớp cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt của người bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thể thủy tinh và hội tụ trên võng mạc, thể thủy tinh phải trong suốt mới tạo ảnh rõ nét được.
- Đục thủy tinh thể là tình trạng mờ đục của thể thủy tinh do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên nếu được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo người bệnh vẫn có khả năng hồi phục được thị lực.
Bệnh đục thủy tinh thể hay cườm khô, cườm đá ở mắt
2.Các trường hợp của bệnh đục thủy tinh thể
2.1 Bệnh đục thủy tinh thể ở người già
Đục thể thủy tinh ở người già là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người cao tuổi. Ở Mỹ tỉ lệ đục thể thủy tinh là 50% ở nhóm người tuổi từ 65 đến 74 tuổi, tăng 70% ở những người trên 70 tuổi. Ở Việt Nam (theo điều tra của ngành Mắt năm 2002) tỉ lệ đục thể thủy tinh ở người trên 50 tuổi là 71,30%.
2.2 Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Đục thể thủy tinh bẩm sinh là đục thủy tinh thể có ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Đục thể thủy tinh xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời được gọi là đục thể thủy tinh ở trẻ em.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bất thường của nhiễm sắc thể, nhiễm trùng tử cung trong thai kỳ, bệnh chuyển hóa, hoặc do thai phụ từng bị mắc một triệu chứng khác trong thai kỳ. Ngoài ra, nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh đục thủy tinh thể đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh.
Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
2.3 Bệnh đục thủy tinh thể do bệnh lý Đái tháo đường, Tăng huyết áp…
Người có các bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, viêm màng bồ đào có nguy cơ cao mắc bệnh đục thủy tinh thể.
- Bệnh đái tháo đường: đục thủy tinh thể là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Thường xảy ra ở 2 trường hợp:
+Trường hợp bệnh nhân tiểu đường còn trẻ tuổi nhưng không thực hiện điều trị và tầm soát bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
+ Trường hợp người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường
- Bệnh giảm canxi trong máu (đục thể thủy tinh trong bệnh Tetani): Bệnh thường xảy ra ở 2 mắt, biểu hiện bằng những chấm đục óng ánh ở vỏ trước và vỏ sau, dưới bao thể thủy tinh và thường cách biệt với bao bởi một vùng trong.
- Đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào (viêm màng bồ đào là viêm thể mi, mống mắt, hắc mạc): Gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm màng bồ đào. Người bệnh có biểu hiện biến đổi ở mặt trước thể thủy tinh kèm theo những chấm sắc tố hoặc những đám dính mống mắt và bao trước thể thủy tinh. Đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào có thể tiến triển thành đục chín (khi toàn bộ vỏ từ bao tới nhân đục trắng, còn được gọi là thủy tinh thể đục hoàn toàn).
2.4 Bệnh đục thủy tinh thể do chấn thương ở mắt:
- Đục thể thủy tinh sau chấn thương va đập: biểu hiện sau khi bị va đập là ở mắt có một vệt đục hình sao hoặc hình hoa hồng của bao sau thường nằm ở trục, có thể chỉ ở một vùng hoặc toàn bộ thể thủy tinh.
Trường hợp đục hình hoa hồng có thể tiến triển thành đục toàn bộ thể thủy tinh. Chấn thương này có thể làm rách bao làm cho thủy dịch (nước dịch) ngấm vào bên trong, các sợi thể thủy tinh ngâm nước gây đục thể thủy tinh rất nhanh.
Các chấn thương va đập mạnh có thể làm đứt một phần hoặc toàn bộ các dây Zinn (dây chằng Zinn có tác dụng cố định thủy tinh thể và các cơ thể mi làm phồng thủy tinh thể để tăng độ hội tụ) dẫn đến lệch hoặc xa thủy tinh thể.
- Đục thủy tinh thể do đồ vật đâm vào mắt: Chấn thương này thường gây đục vỏ thể thủy tinh ở vị trí bị rách, thường tiến triển đến đục hoàn toàn. Thông thường các chất men của thủy dịch có thể làm đục và tiêu đi các màng của thể thủy tinh.
- Đục thể thủy tinh do bức xạ: Khi gặp bức xạ ion hóa thể thủy tinh rất nhạy cảm với nó. Bức xạ ion hóa trong khoảng tia X (có bước sóng từ 0.001 đến 10 nm) có thể gây đục thể thủy tinh ở mắt với mức độ thấp.
- Đục thể thủy tinh do hoá chất: Các hóa chất bằng kiềm (ví dụ như NaOH, KOH…) là nguyên nhân dẫn đến đục thể thủy tinh. Nhưng bỏng mắt do acid ( ví dụ như HCl…) ít có khả năng gây đục thể thủy tinh.
Phân loại các trường hợp bệnh đục thủy tinh thể ở mắt
3. Nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể ở mắt:
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đục thủy tinh thể ở mắt:
- Đục thể thủy tinh bẩm sinh, đục thể thủy tinh ở trẻ em. Nguyên nhân gây đục thể thủy tinh bẩm sinh có thể do di truyền từ đời này sang đời khác hoặc do các bệnh của phôi thai trong thời kỳ người mẹ mang thai (đặc biệt chị em có thai trong 3 tháng đầu thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân như tia xạ, hóa chất độc, thuốc trừ sâu, người bị cúm, sốt phát ban).
- Đục thể thủy tinh ở người già: do rất nhiều nguyên nhân tạo thành dẫn tới rối loạn quá trình dị hoá glucose trong thể thủy tinh từ đó làm rối loạn quá trình tổng hợp protein của thể thủy tinh.
- Do sau chấn thương ở mắt: Đục thể thủy tinh có thể do tổn thương cơ học, tác động vật lý và tác động thẩm thấu.
+ Đục thể thủy tinh sau chấn thương va đập
+ Đục thủy tinh thể do đồ vật đâm vào mắt
+ Đục thể thủy tinh do bức xạ: bức xạ ion hóa, bức xạ hồng ngoại, bức xạ tử ngoại, bức xạ sóng ngắn.
+ Đục thể thủy tinh do hoá chất
- Đục thể thủy tinh do bệnh lý: bệnh đái tháo đường, bệnh giảm canxi trong máu (đục thể thủy tinh trong bệnh Tetani), đục thể thủy tinh sau viêm màng bồ đào, do thuốc gây ra (corticosteroid, nhóm thuốc hướng tâm thần: Các Phenothiazin, thuốc chống loạn nhịp tim: Aminazin, thuốc co đồng tử: thuốc kháng cholinesterase), viêm màng bồ đào…
- Không đội mũ và đeo kính bảo vệ mắt.
4. Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể:
Khi bị bệnh đục thủy tinh thể ở mắt người bệnh thường thấy các dấu hiệu sau:
- Giảm thị lực (mắt nhìn kém đi): Thị lực giảm nhiều hay ít tùy thuộc vào vị trí và mức độ đục. Thị lực giảm đặc biệt là khi người bệnh cố gắng nhìn xa. Ở giai đoạn sớm người bệnh có thể nhìn thấy những điểm đen ở trước mắt.
- Cận thị hoá: ở một số người lớn tuổi có dấu hiệu cần phải có kính cận khi đọc sách do sự xơ cứng của nhân làm tăng công suất khúc xạ của thể thủy tinh gây cận thị ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và nhìn gần người già sẽ nhìn rõ hơn.
- Loá mắt: Người bệnh bị đục thể thủy tinh có thể cảm thấy khó chịu vì lóa mắt đến mức chói mắt khi tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, ánh đèn pha trước mặt hoặc các phương tiện chiếu sáng vào ban đêm.
- Bệnh đục thủy tinh thể ở mắt còn gặp ở những người bệnh có tiền sử chấn thương mắt từ trước, có thể có sóng thị một mắt (nhìn thấy hai hình của cùng một vật), loạn thị nặng (là tình trạng mắt không ở kích thước tròn đều như ban đầu).
Ngoài ra những bệnh nhân đục thủy tinh thể còn có thể bị đồng thời một số bệnh như: viêm màng bồ đào, cận thị nặng, bệnh glôcôm (là một trong những bệnh gây mù hàng đầu trên thế giới), bệnh Đái tháo đường…
5. Hình mắt bị đục thủy tinh thể:
Hình ảnh minh họa mắt bị đục thủy tinh thể ở các giai đoạn
Hình ảnh bệnh đục thủy tinh thể ở người trẻ
6. Khám và chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể ở mắt:
Chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng: tầm nhìn xa của mắt giảm, có thể nhìn thấy các điểm đen trước mắt, mắt bị cận thị hóa, lóa mắt và các bệnh nền hoặc chấn thương mắt người bệnh từng mắc.
*Cách kiểm tra và chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể ở mắt: Chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể ở mắt:
Dưới đây là các cách khám lâm sàng (trực tiếp trên người bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng):
- Cách 1: Khám phát hiện đục thể thủy tinh bằng ánh sáng thường, máy soi đáy mắt và máy sinh hiển vi (đèn khe khám mắt).
Để thực hiện được bác sĩ cần tra thuốc giãn đồng tử (là thuốc khiến cho đồng tử mở to ra hơn bình thường) để xác định vị trí (đục nhân, đục vỏ, đục bảo thể thủy tinh) và mức độ đục của thể thủy tinh (đục mới bắt đầu, đục đang ở giai đoạn tiến triển, đục gần như hoàn toàn và đục hoàn toàn).
- Cách 2: Soi đồng tử (hay còn gọi là con người, là một lỗ nằm ở trung tâm của mống mắt):
Nếu khi soi đồng tử thấy thể thủy tinh còn trong, ánh đồng tử có màu hồng đều thì đây là mắt bình thường. Còn nếu khi soi đồng tử mà thể thủy tinh có đám đục, sẽ thấy những vết đen trên nền ánh đồng tử hồng thì đây là dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể ở mắt.
- Cách 3: Khám bằng đèn khe trên máy tính sinh hiển vi:
Phương pháp này sẽ xác định được vị trí (đục nhân, đục vỏ, đục bao thể thủy tinh), mức độ đục của thể thủy tinh (đục mới bắt đầu, đục đang ở giai đoạn tiến triển, đục gần như hoàn toàn và đục hoàn toàn) và đánh giá sơ bộ được độ cứng của nhân thể thủy tinh.
Mục đích của việc khám bệnh đục thủy tinh thể ở mắt là: khám đồng tử xem phản xạ đồng tử với ánh sáng trực tiếp bằng cách bác sĩ sẽ soi ánh sáng vào mắt từ mọi phía.
Kiểm tra và chẩn đoán mắt bị đục thủy tinh thể hay không
7. Phương pháp chữa bệnh đục thủy tinh thể ở mắt hiệu quả dứt điểm:
7.1 Điều trị đục thủy tinh thể bằng thuốc
Cho đến ngày nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể làm chậm lại sự tiến triển hoặc ngăn ngừa của bệnh đục thủy tinh thể. Hiện nay nhiều công ty dược đang nghiên cứu ra nhiều thuốc chống đục thủy tinh thể, trong đó có các thuốc như: Sorbitol, Aspirin, Glutathione và các vitamin chống oxy hóa như Vitamin C, vitamin E.
7.2 Sử dụng kính hỗ trợ trong trường hợp bệnh nhẹ
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm có thể cho đeo kính, sử dụng đèn có ánh sáng phù hợp với tình trạng mắt khi làm việc hoặc dùng kính lúp. Nếu biện pháp này không cải thiện được tình trạng nhìn thì phương pháp phẫu thuật là biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
7.3 Phương pháp phẫu thuật mổ đục thủy tinh thể cho mắt
Phương pháp này thường được tiến hành theo nguyện vọng của người bệnh muốn cải thiện tình trạng mắt của mình. Việc quyết định phẫu thuật mổ đục thủy tinh thể cần căn cứ vào tình trạng thị giác của người bệnh, Phương pháp này có thể điều trị dứt điểm bệnh đục thủy tinh thể.
*Đánh giá tình trạng người bệnh trước khi mổ
-Hỏi người bệnh về các bệnh đã từng mắc phải (bệnh về mắt và các bệnh khác) : điều này rất quan trọng để phát hiện ra tình trạng của mắt để định hướng phương pháp phẫu thuật hoặc phỏng đoán kết quả sau khi mổ.
- Tiến hành khám mắt cho người bệnh:
+ Đo thị lực: ít nhất người bệnh phải còn cảm giác với ánh sáng.
+ Phản xạ (độ nhạy) đồng tử: Khám phản xạ của đồng tử với ánh sáng trực tiếp. Các bác sĩ sĩ tiến hành quay ánh sáng từ mọi phía. Nếu ánh sáng yếu hoặc mất nghĩa là phản xạ đồng tử không thấy rõ, dẫn đến việc phỏng đoán kết quả sau mổ gặp nhiều khó khăn, không chính xác. Trước khi tiến hành mổ phải giải thích rõ cho người bệnh.
+ Đo khúc xạ giác mạc, chiều dài trục nhãn cầu ( đo bằng phương pháp siêu âm).
+ Đo nhãn áp, bơm rửa lệ đạo.
- Tiến hành khám toàn thân cho người bệnh: dùng để phát hiện các bệnh cấp tính hoặc đang tiến triển trên bệnh nhân (như Đái tháo đường, Lao,...), các ổ viêm lân cận (sâu răng, viêm xoang…) từ đó cần điều trị ổn định các bệnh này.
*Các phương pháp mổ đục thể thủy tinh:
-Phương pháp 1: Phẫu thuật lấy thể thủy tinh trong bao (intra- capsular):
Đây là phương pháp lấy đi toàn bộ thể thủy tinh cùng lớp bảo thủy tinh, sau khi mổ người bệnh cần phải đeo kính. Ngày nay phương pháp phải thuật này chỉ còn được áp dụng trong những trường hợp bị lệch thể thủy tinh, hệ thống treo thể thủy tinh quá yếu.
- Phương pháp 2: Phẫu thuật lấy thể thủy tinh ngoài bao (extracapsular):
Đây là phương pháp lấy đi khối nhân và toàn bộ chất bột thể thủy tinh cùng phần trung tâm của bao trước và để lại bao sau. Phương pháp này có ưu điểm là hạn chế được một số biến chứng sau khi mổ đục thủy tinh thể và để lại bao sau thể thủy tinh tạo ra vị trí tốt để cố định thể thủy tinh nhân tạo
- Phương pháp 3: Phẫu thuật lấy thể thủy tinh ngoài bảo đặt thể thủy tinh nhân tạo:
Đây là phương pháp sau khi lấy toàn bộ nhân và vỏ thể thủy tinh thì đặt thể thủy tinh nhân tạo vào sau.
- Cách 4: Phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (phacoemulsification) :
Các bác sĩ sẽ dùng một kim dẫn bằng siêu âm để tán nhuyễn nhân thể thủy tinh và hút chất thể thủy tinh quá lỗ kim đó.
Phẫu thuật Phaco hiện nay được áp dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện nhãn khoa trên thế giới và Việt Nam. Phương pháp phẫu thuật này có những ưu điểm: vết mổ nhỏ, an toàn hơn, thị lực phục hồi tốt hơn, giảm độ loạn thị sau mổ và giảm thiểu được những tai biến.
Hình ảnh phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco
8. Lưu ý khi chăm sóc mắt sau mổ đục thủy tinh thể:
- Sau khi thực hiện phẫu thuật vài tuần người bệnh nên hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính, tivi…
- Rửa và vệ sinh mắt hàng ngày bằng dung dịch rửa mắt theo đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm.
- Người bệnh cần bảo vệ đôi mắt của chính mình bằng cách: đeo kính chống bụi vào ban ngày và cả lúc ngủ để tránh dụi mắt.
- Tuyệt đối không dụi tay vào mắt, tránh các hoạt động mạnh tác động vào mắt.
- Tạo thói quen trước khi muốn chạm vào mắt phải rửa tay sạch.
- Không đi tắm biển, bơi, không làm việc nặng, không cúi đầu nhiều…
- Cần hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trong khoảng 1 khoảng sau khi phẫu thuật.
- Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trừ các thực phẩm để lại sẹo lồi như: rau muống, thịt gà, đồ nếp…, những thực phẩm gây co da và ngứa như: da gà, hải sản…