Công nghệ thông tin (CNTT) Y tế tại Việt Nam mới bắt đầu nhập cuộc cùng với sự phát triển CNTT Y tế thế giới. Với sự ra đời muộn màng này, CNTT Y tế ở nước ta có nhiều khó khăn, thách thức và đồng thời cũng có nhiều triển vọng.
CNTT Y tế Việt Nam phải từng bước đuổi kịp và tránh tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới; đòi hỏi phải xây dựng được phần mềm quản lý Y tế và các phần mềm ứng dụng khác trong Y tế có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Thuận lợi và triển vọng lớn của CNTT Y tế nước ta là việc rút kinh nghiệm và kế thừa các thành tựu của các nước đi trước trong kỹ thuật ứng dụng CNTT Y tế. Để giải quyết tất cả những vấn đề trên đây, đòi hỏi các Nhà quản lý Y tế cũng như các chuyên gia CNTT Y tế phải nhìn nhận đúng mức về CNTT Y tế và đầu tư đủ mạnh để CNTT Y tế phát triển.
Trong phát triển CNTT Y tế, phần mềm quản lý bệnh viện giữ vai trò quan trọng nhất trong các phần mềm ứng dụng của Ngành Y tế, vì các hoạt động của bệnh viện chiếm một khối lượng lớn công việc của Ngành Y tế.
Hiện nay việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện tại các bệnh viện trên toàn quốc còn mang tính tản mạn và tự phát. Hậu quả của việc này là các phần mềm không đồng bộ, không có tính thống nhất, giá thành cao, gay lãng phí và tốn kém tiền của nhà nước. Để tránh những hậu quả đó tiếp tục xảy ra, việc định hướng có một phần mềm và dữ liệu khung (hay còn gọi là phần mềm cốt lỗi) dùng chung cho các bệnh viện trong toàn quốc là rất quan trọng và cần được thực hiện sớm, đó là bước đầu phát triển phần mềm quản lý bệnh viện để tiến đến nối mạng các bệnh viện trong toàn ngành. Việc ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện cần đạt các yêu cầu sau: mang tính thống nhất cho toàn ngành, có khả năng mở rộng thêm, thích ứng với nhiều cơ sở, giao kết được giữa các bệnh viện trong toàn quốc, dễ quản lý, giá thành phù hợp. Sử dụng đơn giản và đào tạo để phổ biến sử dụng cho nhân viên y tế thuận lợi, nhanh chóng.
Định hướng của Lãnh đạo Bộ về việc khẩn trương xây dựng phần mềm khung trong quản lý bệnh viện và xây dựng ngân hàng dữ liệu trong quản lý bệnh viện thống nhất trong toàn ngành là hết sức cần thiết. Điều kiện thuận lợi cho phần mềm khung được thực thi khi các mô hình quản lý, qui trình hoạt động của các bệnh viện được thực hiện thống nhất theo đúng quy chế bệnh viện Bộ Y tế đã ban hành. Tuy nhiên, phần mềm khung sẽ không thể thoả mãn tất cả các yêu cầu của từng bệnh viện cụ thể, vì vậy mỗi bệnh viện phải tuỳ thuộc vào quy mô và tính chuyên khoa của mình mà mở rộng phần mềm khung cho phù hợp.
Xây dựng phần mềm khung quản lý bệnh viện là định hướng quan trọng để phát triển, nhất quán việc chỉ đạo quản lý bệnh viện từ tuyết trên xuống tuyết dưới khi chúng ta áp dụng ngày càng nhiều tin học vào trong công tác quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành y tế. Định hướng về một ngân hàng dữ liệu có khung chung, tiến đến biểu mẫu báo cáo điện tử thống nhất trong toàn ngành, giúp giữa các bệnh viện và các tuyến có thể trao đổi thông tin dữ liệu với nhau.Vic triển khai ứng dụng phần mềm khung trong quản lý bệnh viện sẽ được tiến hành rộng rãi trong các bệnh viện ở tất cả tuyến của Ngành Y tế và các bệnh viện trực thuộc các Bộ, Ngành (Giao thông, Bưu điện, Nông nghiệp, Công nghiệp, Quân đội, Công an....).
Xây dựng phần mềm dùng chung là một công việc hết sức lớn và khó khăn trong việc giới hạn khung phần mềm, chuẩn hoá dữ liệu, chuẩn hoá các chỉ số thu thập. Lãnh đạo Bộ Y tế giao cho Vụ Điều trị cùng Trung tâm CNTT Y tế phối hợp thực hiện các công việc nêu trên đạt hiệu quảù cao và đúng tiến độ đề ra. Nguồn kinh phí khi xây dựng phần mềm dùng chung sẽ được Bộ Y tế đầu tư, việc nâng cấp sửa đổi sẽ được tiến hành hàng năm từng bước để tiến tới có phần mềm quản lý bệnh viện ngày càng hoàn thiện.
Việc triển khai phần mềm khung không chỉ đơn thuần là triển khai ứng dụng rộng rãi ngay được cho tất cả ở các bệnh viện, các bệnh viện muốn có phần mềm cụ thể phù hợp cần tiếp tục bổ sung theo yêu cầu của Giám đốc các bệnh viện, do vậy Giám đốc bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong ứng dụng CNTT quản lý bệnh viện. Các phần mềm không được xây dựng theo một số tiêu chí ví dụ:
Về khung quản lý:
Các cơ sở khám chữa bệnh, phải có sổ khám bệnh tại phòng khám với mã số riêng cho từng người bệnh, địa chỉ của người bệnh được khai báo rõ ràng từ tỉnh - huyện - xã - nơi cư trú ngay khi người bệnh đến, tạo điều kiện tốt cho việc tra cứu về sau và giúp cho thống nhất quản lý đầu vào khi người bệnh đến khám chữa bệnh và theo dõi một cách hệ thống. Đối với quản lý bệnh tật, áp dụng ICD10, 4 chữ số bắt buộc phải sử dụng trong chẩn đoán và thống kê bệnh tật. Về quản lý dược, thuốc nhập kho phải có đủ chứng từ mới được đưa vào hệ thống quản lý của kho và phân phối cho người bệnh theo y lệnh. Mọi hoạt động của bệnh viện phải tuân thủ theo đúng qui chế bệnh viện.
Về khung phần cứng:
Phải đạt các thông số kỹ thuật và số lượng máy tối thiểu: Mạng tốc độ tối thiểu là 100Mbps; số lượng các máy tối thiểu để thực hiện trong một mạng LAN với Server và thiết bị mạng phù hợp là: - Tiếp đón (phòng khám): 100 người /ngày/ 01 máy -Tổng hợp dữ liệu phòng khám: 01 máy -Nhập viện: 01 máy -Phòng lưu tại khoa khám bệnh: 01 máy -Mỗi khoa lâm sàng trong bệnh viện:01 máy -Dược: Chia ra: + Kho chẵn: 01 máy + Kho Lẻ: 01 máy + Kho BHYT: 01 máy - Phòng viện phí: 01 máy/100 người bệnh ở khoa khám bệnh -Kế toán: 01 máy/100 người bệnh -Xuất viện: 01 máy/50 người xuất viện/ngày -Cận lâm sàng: + Xét nghiệm (sinh hoá, huyết học...): 01 máy/ 50 bệnh phẩm xét nghiệm/ngày. + X-quang: 01 máy/ máy X-quang + Siêu âm: 01 máy/ 01 máy siêu âm + Nội soi : 01 máy/ 01 máy nội soi - Kho vật tư: + Trang thiết bị: 01 máy + Vật tư tiêu hao: 01 máy - Tổ nhân sự: 01 máy -Công văn hành chính: 01 máy (Cần phải có qui định rõ ràng của bệnh viện phân chia rõ ràng kho dược BHYT và kho dược lẻ - chẵn tách rời nhau, tách vật tư tiêu hao riêng hoặc để quản lý chung với dược).
Về khung phần mềm:
Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện để chạy trên mạng LAN và có thể chạy trên mạng WAN hoặc Internet. Hệ quản trị Cơ sở dữ liệu: Giai đoạn I: 2002 - 2004 SQL SERVER, giai đoạn II: ORACLE (với các bệnh viện lớn). Hệ điều hành mạng: Windows NT 4.O; Windows 2000 Server; LINUX (với ORACLE). Ngôn ngữ lập trình: phổ cập. Hệ thống báo cáo tuân thủ theo phần mềm báo cáo thống kê mới nhất do Bộ Y tế ban hành.
Kho dữ liệu:
Là phần chính để các phần mềm phát triển xoay quanh phần mềm khung. Khung dữ liệu với các modules ứng dụng sẽ có hướng dẫn cụ thể theo chuyên môn kỹ thuật.
Về nhân lực để thực hiện:
Phải đảm bảo nhân lực phục vụ mạng thông suốt 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Nhân viên nhập liệu tiến hành nhập liệu 24/24 giờ theo đúng qui định bắt buộc của phần mềm. Người quản trị mạng luôn luôn có mặt và sẵn sàng đáp ứng khi mạng và phần mềm có sự cố, như vậy mỗi bệnh viện phải có đội ngũ kỹ sư CNTT làm quản trị mạng. Kinh nghiệm ở một số bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện cho thấy đội ngũ quản trị mạng tối ưu ở mỗi bệnh viện gồm có ít nhất 1 bác sĩ có bằng thứ hai về CNTT và 1 kỹ sư CNTT.
Bệnh viện phải có đường truyền điện thoại riêng, để có thể trợ giúp lỗi phần mềm can thiệp từ xa thông qua các phần mềm dịch vụ. Căn cứ vào các định hướng trên đây của Bộ Y tế, các bệnh viện cần có kế hoạch đầu tư về nhân lực CNTT Y tế, đào tạo phổ cập tin học cơ sở cho toàn thể cán bộ bệnh viện, đầu tư phần cứng, xây dựng mạng và đầu tư kinh phí để triển khai áp dụng khung phần mềm quản lý bệnh viện.
Khi xây dựng dự án ứng dụng CNTT quản lý bệnh viện các đơn vị phải chú ý đến kinh phí duy trì về bảo hành bảo trì mạng, thay thế phần cứng, quản trị mạng, diệt virus, sửa chữa - vận hành và nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện.
Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện là thiết thực nâng cao năng lực quản lý và điều hành của giám đốc bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vì vậy giám đốc các bệnh viện phải thực sự quan tâm đầu tư mọi nguồn lực để ứng dụng và phát triển CNTT trong bệnh viện. PGS-TS. Lê Ngọc Trọng